Khảu xén của đồng bào Thái Tây Bắc

Nếu người miền xuôi có phồng tôm, thì đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc có khảu xén, là món ăn hấp dẫn cả người lớn và trẻ nhỏ trong mỗi dịp tết đến, xuân về. Những miếng khảu xén giòn rụm, thơm ngon, hương vị phong phú, lại được các chị em khéo léo tạo ra với nhiều màu sắc, làm phong phú thêm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào miền núi.

Khảu xén là món ăn yêu thích của người Tây Bắc.

Để làm khảu xén, thường phải mất khá nhiều thời gian, kỳ công và trải qua nhiều công đoạn. Nguyên liệu là gạo nếp hoặc củ sắn tươi, tùy theo cách chế biến của từng người mà khảu xén có hương vị và độ dai, giòn khác nhau. Với gạo nếp, phải lựa loại gạo ngon, đãi sạch, đồ chín thành xôi, sau đó đem giã nhuyễn, rồi cán mỏng, phơi khô, cắt thành từng miếng nhỏ. Còn với sắn tươi, cách làm cũng vậy, sắn bóc vỏ, rửa sạch, bào sợi hoặc cắt khúc hấp chín, giã nhuyễn, cán mỏng rồi phơi khô, cắt nhỏ. Khảu xén phơi khô có thể bảo quản được rất lâu, nên bà con thường tranh thủ những ngày nắng hanh, nhàn rỗi để chế biến và phơi được khô nhanh, cất trữ dùng cho ngày tết hoặc dùng cho cả năm. Khi ăn, chỉ cần đun dầu nóng lên, thả miếng khảu xén vào, đợi cho 2 mặt phồng đều, nổi lên là vớt ra và bày lên đĩa để thưởng thức.

Chị Quàng Thị Diên, dân tộc Thái ở phường Chiềng Cơi, Thành phố chia sẻ: Khảu xén giòn, nhưng có độ dai hơn phồng tôm, thơm mùi gạo nếp hoặc mùi sắn rất hấp dẫn người ăn. Vì thế, dù công đoạn chế biến phức tạp, nhưng rất nhiều gia đình dân tộc Thái vẫn giữ thói quen làm món ăn này dùng cho ngày tết. 

Từ nguyên liệu chính là gạo và sắn tươi nên khảu xén có màu nguyên bản là màu trắng. Để khảu xén có màu sắc đa dạng hơn, các chị em thường dùng lá rừng, lá dứa, nghệ tươi đun lấy nước để ngâm gạo, đồ lên thành xôi màu, hay dùng gấc để trộn với sắn tươi hấp chín khi giã nhuyễn để tạo màu. Nhờ thế, khảu xén ngày nay có nhiều màu sắc phong phú với đủ các màu: xanh, đỏ, tím, vàng, trắng,... và rắc thêm vừng đen để miếng bánh thêm bắt mắt. Miếng khảu xén thường được cắt thành hình chữ nhật hoặc hình bình hành, cỡ bằng 2 ngón tay người lớn và tạo hình răng cưa cho đẹp mắt. Để tạo hương vị đa dạng, bà con thường trộn đường và sữa vào nguyên liệu khi chế biến để làm khảu xén ngọt cho trẻ nhỏ, hoặc thêm muối để làm khảu xén mặn cho người lớn. Ngoài ra còn có khảu xén nhạt dùng để làm món ăn ghém cho các bữa cơm gia đình. Ngày tết, thay cho các loại bánh kẹo mua sẵn, nhiều gia đình chọn khảu xén để đãi khách khi đến chơi nhà nhân dịp đầu xuân.

Khảu xén được làm từ những nguyên liệu thường ngày, chế biến thủ công, tạo màu tự nhiên nên được người dùng yêu thích, không chỉ thơm ngon, lạ miệng mà còn yên tâm khi sử dụng. Với hương vị mang đặc trưng của nguyên liệu vùng Tây Bắc, khảu xén không chỉ là món ăn vặt hấp dẫn mọi lứa tuổi, mà còn là thức quà dân giã của vùng cao dành cho du khách khi có dịp đến thăm.

Thảo Nguyên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới