Bánh chưng của đồng bào dân tộc Thái

Mỗi dịp tết đến, xuân về, trên mâm cơm của mỗi gia đình đều có bánh chưng truyền thống. Ở Sơn La, bánh chưng của đồng bào dân tộc Thái là bánh ống tròn và bánh gù (giống hình mái nhà). Những chiếc bánh chưng thơm dẻo không đơn thuần là nét đẹp trong văn hóa ẩm thực, mà còn gắn liền với đời sống tâm linh, phong tục tập quán trong việc đón tết cổ truyền của đồng bào Thái.

Đồng bào dân tộc Thái gói bánh chưng ngày tết.

Thông lệ, vào ngày 27, 28 tết, các gia đình dân tộc Thái lại háo hức chuẩn bị làm bánh chưng tết. Để có những chiếc bánh chưng thơm ngon, bà con chọn những chiếc lá dong xanh, gạo nếp nương tròn mẩy, đậu nho nhe hoặc đỗ xanh, thịt lợn ba chỉ ướp gia vị vừa miệng. Tùy thuộc vào tập quán sinh hoạt, người Thái ở mỗi địa phương sẽ sử dụng một trong hai loại bánh trên để dâng lên tổ tiên vào dịp tết. Với đồng bào dân tộc Thái ở Thành phố, Sông Mã thì gói cả bánh chưng gù và bánh chưng ống tròn, nhưng ở các huyện Quỳnh Nhai, Yên Châu chỉ gói bánh chưng gù, Phù Yên gói bánh ống tròn...

Ông Lò Văn Lả, tổ 7, phường Tô Hiệu, Thành phố, cho biết: Bánh chưng ngày tết được đồng bào dân tộc Thái làm tỉ mỉ, cẩn thận, vừa để cúng ông bà, tổ tiên, vừa dạy con, cháu về truyền thống gói bánh chưng ngày tết. Ngày xưa, thời phong kiến thuộc địa, cuộc sống khó khăn nên bánh chưng của dân tộc Thái không có nhân, từ khi được giải phóng khỏi ách nô lệ, cuộc sống đủ đầy hơn, bánh chưng đã có nhân đậu nho nhe, đậu xanh và thịt lợn.

Để gói bánh chưng ống tròn, người gói xếp 2 chiếc lá dong đều lên nhau, rải gạo nếp và nhân bánh theo chiều dài của lá. Sau đó, kéo 2 mép lá vào nhau và gập các mép cho đều, không gói quá chặt tay, cũng không quá lỏng để khi luộc bánh không bị nứt, rồi cắt bớt đầu lá, lấy lạt buộc cố định theo chiều dọc và buộc lạt ngang thành các đốt là chiếc bánh được hoàn thành.

Bánh gù gói giống bánh ống tròn, nhưng khác ở phần giữa thân bánh hơi gù lên. Thường bánh được gói từ 0,5-1kg gạo. Để bánh thơm dẻo, trước khi luộc, bánh ngâm với nước lã từ 15 đến 20 phút. Thời gian luộc bánh tùy thuộc vào kích thước bánh to hoặc nhỏ, kéo dài từ 5 đến 12 giờ đồng hồ, đủ lửa để nồi bánh sôi đều, không để nồi bánh bị thiếu nước, khi bánh chín vớt ra lau cho sạch vỏ ngoài của bánh.

Được thưởng thức món bánh chưng gù và bánh ống tròn của đồng bào dân tộc Thái, chị Bùi Thị Oanh (Hà Nội), chia sẻ: Những ngày du xuân ở Sơn La, tôi được thưởng thức món bánh chưng của đồng bào dân tộc Thái. Mùi thơm của lá dong, vị dẻo của gạo nếp nương, béo ngậy của nhân thịt, đỗ xanh thật khó quên. Đặc biệt là bánh chưng nhân đậu nho nhe rất đặc trưng, mang lại cảm giác lạ miệng cho người thưởng thức.

Trên mâm cơm ngày tết của đồng bào dân tộc Thái không thể thiếu bánh chưng, khách đến nhà cũng được gia chủ mời ăn bánh chưng để tỏ lòng hiếu khách và hơn hết, bánh chưng còn là biểu tượng của sợi dây gắn kết tình thân trong mỗi gia đình khi tết đến, xuân về.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới