Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.

Giọng nữ

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường, nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhân dân được nâng cao. Hệ thống chính sách, pháp luật không ngừng được hoàn thiện; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, đạt được nhiều kết quả tích cực; mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp từng bước triển khai hiệu quả.

Tại tỉnh ta, quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 24-NQ/TW đã được tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai nghiêm túc và đạt được những kết quản quan trọng. Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, cơ sở; nhận thức về phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu của nhân dân từng bước được nâng lên.

Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu đang từng bước chuyển đổi, thích nghi theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp. Đưa vào khảo nghiệm, lựa chọn các loại giống phù hợp với điều kiện tự nhiên; nghiên cứu phục tráng, bảo tồn và nhân giống cây trồng cho năng suất, sản lượng cao, thích ứng với các điều kiện tiểu vùng khí hậu khác nhau. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 40.000 ha cây trồng sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương...

Tuy nhiên, phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa được triển khai đồng bộ; hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tình trạng mưa lũ, sạt lở, cháy rừng chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, chế biến nông sản chưa được khắc phục triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu chưa thực sự hiệu quả; việc tham gia giám sát, phản biện của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng còn hạn chế...

Thực hiện mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường; tôn trọng quy luật tự nhiên, không gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Trước hết, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, gắn với bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, giữ vững cân bằng sinh thái.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển một số mô hình kinh tế kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên rừng, từng bước tăng tỷ lệ che phủ rừng, mở rộng dịch vụ môi trường rừng. Triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon rừng đáp ứng yêu cầu của thị trường các-bon trong nước và quốc tế, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Tổ chức không gian chiến lược cho các hoạt động kinh tế - xã hội; tập trung đầu tư phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với ổn định dân cư.

Ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; chủ động ứng phó với sạt lở, lũ quét. Rà soát, cảnh báo và di dời, tái định cư cho nhân dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai.

Tập trung nguồn lực giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách về môi trường, xử lý chất thải rắn, nước thải tại các đô thị, cụm công nghiệp, khu vực nông thôn; bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình canh tác nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới