Công việc nhà nông tháng 3

1. Trồng trọt: Trừ rầy trước khi nhổ cấy ở những vùng trồng lúa đã xác định nhiễm bệnh lùn xoắn lá, lùn sọc đen vụ trước. Kết thúc gieo cấy lúa xuân muộn không quá 31/3. Chuẩn bị đủ các điều kiện đất, giống, vật tư... để trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như: Cà phê, chè, cao su và cây ăn quả theo kế hoạch. Tưới ẩm cho vườn ươm cà phê, cà phê kinh doanh ở nơi có điều kiện, bảo vệ cây bầu cà phê giống. Chăm sóc, bón phân cho cà phê kinh doanh, phòng chống sâu đục thân cà phê. Ghép tái canh cây cà phê bằng các giống có năng suất, chất lượng cao. Chăm sóc chè kinh doanh, vườn ươm chè giâm cành. Cắt bỏ, tiêu hủy những cành bị bệnh dán cao cành chè. Trồng và chăm sóc rau, đậu vụ xuân. Kiểm tra, phát hiện và tổ chức phòng trừ nhện hại chè, bọ xít hại nhãn, vải, rầy hại bông xoài. Kiểm soát bệnh chổi rồng trên hom sắn trước khi trồng, đặc biệt là những vùng đã bị nhiễm bệnh chổi rồng trên sắn vụ trước.

             

Nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn phun thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây xoài.             

Ảnh: Phạm Đức

             

* Lưu ý: Khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ.

             

2. Chăn nuôi: Tổ chức tiêm phòng đại trà cho gia súc, gia cầm vụ xuân hè. Tập trung cao công tác phòng một số bệnh của trâu, bò, lợn như: Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò; dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, chướng hơi dạ cỏ,... ; Tiêm phòng bệnh dại cho chó nuôi. Tăng cường kiểm tra phát hiện trâu, bò động dục phối giống kịp thời; thiến bò đực cóc, trâu đực không đủ tiêu chuẩn làm giống. Chăm sóc vườn cỏ giống, chuẩn bị đất, phân bón cho trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi. Chia đàn ong, thay ong chúa lần 1, loại cầu già, di chuyển ong khai thác mật hoa rừng kết hợp tạo thế đàn mạnh, đông quân. Phòng bệnh thối ấu trùng cho ong.

             

3. Thủy sản: Cho cá trắm cỏ và chép đẻ đầu vụ, ương nuôi cá bột lên cá hương, cá hương lên cá giống. Chăm sóc, kiểm tra độ thuần thục của ba ba. Chuẩn bị ao nuôi cá thương phẩm và thủy đặc sản. Chăm sóc cá lồng, vệ sinh lồng nuôi.

             

* Lưu ý: Thời điểm kết thúc mùa lạnh chuẩn bị chuyển sang mùa nắng ấm, cần tích cực cho ăn, theo dõi sức khỏe của cá trong giai đoạn chuyển mùa.

             

4. Lâm nghiệp: Tiến hành phát dọn thực bì, đào hố, bón phân lấp hố chuẩn bị cho trồng rừng đối với các loài tre, trúc, bạch đàn, keo các loại. Chăm sóc cây con vườn ươm, phân loại, đảo bầu cây giống trước khi xuất trồng. Phòng chống cháy rừng, tuần tra bảo vệ, làm băng cản lửa. Xử lý và gieo hạt Tếch (Tếch Stump). Chuẩn bị gieo ươm giống tre, luồng hom tay. Kiểm tra, phát hiện và phòng trừ sâu róm hại thông. Tăng cường quản lý và tổ chức khai thác chính, tận thu, tận dụng lâm sản đối với các chủ rừng; Tổ chức thiết kế rừng trồng mới, khoanh nuôi tái sinh rừng và lập dự toán bảo vệ rừng tự nhiên hiện còn.

             

5. Thủy lợi, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và cấp nước sinh hoạt: Chủ động chằng néo nhà cửa để phòng tránh gió lốc, mưa đá, sạt lở, lũ quét,...  Chủ động cấp nước tưới phục vụ sản xuất đông xuân; kiểm tra các nguồn nước, để chủ động các biện pháp chuyển đổi cây trồng ở những vùng không có đủ điều kiện cấp nước cho sản xuất.    

             

Vân Anh (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới