Trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài nguyên và môi trường

Sau 3 năm triển khai ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường đã đạt được kết quả. Năm 2022, tỉnh Sơn La được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá và xếp hạng đứng thứ 18 trên 63 tỉnh, thành phố về chỉ số bảo vệ môi trường.

Ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2023.

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022-2023 cấp huyện và tổ chức công bố, công khai theo quy định. UBND các huyện, thành phố đã phối hợp Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Sơn La thông qua 13 Nghị quyết HĐND tỉnh, 6 quyết định quy phạm pháp luật để thực hiện quản lý đất đai. Chủ động đôn đốc, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, xử lý vi phạm hành chính về đất đai và trật tự xây dựng.

Đối với lĩnh vực môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, các huyện, thành phố đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh sơ chế, chế biến cà phê trong niên vụ 2022-2023 về công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải; đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục bằng camera giám sát truyền trực tiếp qua ứng dụng trên về điện thoại và các thiết bị di động thông minh để cập nhật.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, cho biết: Đến nay, Thành phố đã hoàn thiện lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2023. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tăng cường bảo vệ môi trường, nguồn nước trong niên vụ sản xuất năm 2022-2023; đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và người dân trên địa bàn về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và hoạt động sơ chế, chế biến cà phê. Tổ chức 6 hội nghị triển khai, tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các quy định có liên quan. Xử phạt 14 trường hợp vi phạm về đất đai; 1 trường hợp khoan giếng trái phép.

Các huyện, thành phố đã phối hợp với Sở TN&MT trình UBND tỉnh Sơn La cấp 30  giấy phép hoạt động khoáng sản; đấu giá quyền khai thác 5 mỏ khoáng sản; phê duyệt Đề án đóng cửa 3 mỏ; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác 5 mỏ khoáng sản; thu hồi giấy phép khai thác 1 mỏ; tạm dừng hoạt động 2 mỏ. Thực hiện kiểm tra, giám sát, trả lời dư luận xã hội về hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ Niken bản Phúc; mỏ than Vân Hồ; mỏ than Phù Yên.... Công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm được siết chặt. Năm 2022, đã phát hiện, xử lý 301 vụ vi phạm về lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng; 2 cơ sở vi phạm về môi trường; 18 vụ vi phạm khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép; xử phạt hành chính, nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,4 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La, đánh giá: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố đã chủ động triển khai các nội dung; tổ chức ký cam kết với Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; định kỳ báo cáo UBND tỉnh. Thành lập các tổ giám sát, đoàn kiểm tra đánh giá kết quả triển khai thực hiện; ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn về bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, cam kết không xả chất thải chưa xử lý gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước...

Tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên môi trường, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đặc biệt là phải chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Kịp thời xử lý các hành vi phạm pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo đúng quy định.

Tăng cường phối hợp trong công tác quy hoạch khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Rà soát, thống kê diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn; chủ động kiểm tra, hướng dẫn giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích. Tổ chức thanh tra, kiểm tra các xã, phường, thị trấn có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất, kịp thời chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Chủ động kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, không để xảy ra các điểm nóng, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới