Chủ động phòng bệnh mùa đông cho trẻ

Vào mùa đông, thời tiết lạnh kéo dài, độ ẩm không khí cao, khiến nhiều trẻ mắc bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết... Ngành Y tế tỉnh đã tăng cường cơ số thuốc, trang thiết bị khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh tuyên truyền cho các bậc phụ huynh những biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ hợp lý.

Bác sĩ Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh khám cho bệnh nhi.

Đến Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh để khám bệnh cho con trai, chị Nguyễn Thị Nga, tổ 8, phường Chiềng Sinh, cho biết: Con tôi mới được 3 tháng tuổi, đêm qua cháu sốt, khó thở, khóc quấy, nên sáng nay gia đình cho con đến khám sớm. Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm tiểu phế quản và được chỉ định nhập viện điều trị, hy vọng con tôi sẽ nhanh khỏi bệnh.

Còn chị Lò Thị Bích Ngọc, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, cũng đang chăm sóc con gái 4 tuổi tại Khoa Nhi, nói: Cách đây 4 ngày, con tôi bị sốt cao, đến đêm hôm sau thì có hiện tượng khó thở, nôn ói, gia đình đưa gấp vào Bệnh viện đa khoa tỉnh. Qua thăm khám, cháu bị viêm phổi cấp, sau 2 ngày tiêm và truyền, con tôi đã cắt sốt, ăn được cháo, bệnh tình đã thuyên giảm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nông Thị Diệp Lệ, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho hay: Khoa có 70 giường, nhưng hiện nay đã kê lên đến 104 giường bệnh. Để đảm bảo việc khám, điều trị bệnh kịp thời cho trẻ em, khoa đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ y, bác sỹ, chia ca trực 24/24 giờ. Từ cuối tháng 9/2023 đến nay, lượng bệnh nhi khám và điều trị tại khoa tăng cao, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khám từ 45 - 50 trẻ; trong đó, có từ 8 -10 trẻ được chỉ định nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu là bệnh cúm mùa, sốt vi rút, viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy cấp... Do hệ miễn dịch và thể chất của trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ, nên khi mắc bệnh, trẻ dễ có diễn tiến nặng hơn. Nhiều trường hợp đến khám triệu chứng đã rõ ràng, trẻ khó thở, sốt cao, kèm biến chứng nặng, phải điều trị nội trú dài ngày.

Ngành Y tế đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố dự trù đầy đủ vật tư hóa chất, đáp ứng tốt khi có dịch bệnh xảy ra. Chủ động giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm và phát hiện sớm các ổ dịch để kịp thời khống chế, không để dịch lan rộng, kéo dài... Tăng cường tuyên truyền về các dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát trong mùa đông và nâng cao nhận thức phòng bệnh cho nhân dân, nhất là khu vực vùng cao, vùng sâu, biên giới, các trường thực hiện chế độ bán trú.

Ngoài ra, khuyến cáo các gia đình cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ, cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời, hạn chế tiếp xúc không khí lạnh bằng việc đeo khẩu trang... Đặc biệt, khi trẻ bị ốm hay sốt 3 đến 5 ngày, có dấu hiệu sốt kéo dài, nôn, ho, khó thở, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị theo đúng phác đồ, tránh việc tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ uống, làm cho tình trạng bệnh kéo dài, tăng nặng, khiến trẻ mệt mỏi.

 Kể từ đầu mùa đông đến nay, trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã phát hiện hơn 180 ca mắc cúm mùa, viêm đường hô hấp; 41 ca tiêu chảy, 5 ca mắc ghẻ da... Các ca bệnh đều được phát hiện sớm điều trị kịp thời, không để xảy ra biến chứng. Ông Tòng Văn Châm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, cho biết: Ngay từ đầu mùa đông, Trung tâm đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh phát sinh. Trong đó, chú trọng công tác khử trùng nơi ở, quần áo, chăn màn cho học sinh tại 19 trường thực hiện chế độ bán trú. Phân bổ 210kg hóa chất cloramin B để phun khử khuẩn tại các trường; tăng cường giám sát dịch tễ. Đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh nâng cao ý thức, tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng trước các dịch bệnh mùa đông.

Chủ động phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng cho trẻ luôn là biện pháp hiệu quả giúp trẻ khỏe mạnh, nâng khả năng đề kháng, phòng tránh hậu quả các bệnh theo mùa và các bệnh truyền nhiễm.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới