BHXH, BHYT “trụ cột” an sinh xã hội • Kỳ II: Điểm tựa của nhân dân

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày một tăng, đồng nghĩa nhiều người dân được hưởng chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước; tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất và đảm bảo cuộc sống an nhàn khi về già.

Đăng ký khám, chữa bệnh BHYT cho nhân dân tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đảm bảo quyền lợi người tham gia

Hết năm 2022, tỉnh Sơn La có hơn 146.517 người tham gia BHXH; gần 50.000 người tham gia BHTN, 1.247.547 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 96% dân số. Đảm bảo quyền lợi cho người dân tham gia BHXH, BHYT được thụ hưởng chính sách, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh cải cách hành chính; tích cực chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả quy trình, nghiệp vụ.

BHXH tỉnh luôn quan tâm giải quyết kịp thời, đúng, đủ chế độ. Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Quyền lợi khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT được mở rộng, nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, có chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả, giảm khó khăn về tài chính cho người tham gia, nhất là với người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn và các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, tạo niềm tin với nhân dân. Trung bình mỗi tháng, BHXH tỉnh chi trả trên 143 tỷ đồng lương hưu và trợ cấp BHXH cho hơn 32.000 người.

Ông Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Toàn bộ 227 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã tiếp đón người đến khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân có gắn chíp. Ngành chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực công tác của ngành với mục tiêu phục vụ tốt nhất quyền lợi của người tham gia, đơn vị, doanh nghiệp. Đến nay, gần 20.000 người nhận các chế độ BHXH, BHTN qua phương tiện không dùng tiền mặt của BHXH tỉnh Sơn La, với số tiền trên 753 tỷ đồng. Đồng bộ căn cước công dân với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám chữa bệnh cho 1.027.883 người, đạt 87,1% tổng số người tham gia BHYT. Đến nay, có 123.131 người cài đặt và sử dụng ứng dụng BHXH số VssID.

Bà Hoàng Thị Tiến, xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã có tiền sử bệnh tim, huyết áp, nói: Hằng tháng, tôi phải đến khám tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; ngoài ra, còn phải về Hà Nội kiểm tra định kỳ. Giờ đi khám, chữa bệnh rất thuận tiện, không phải mang nhiều giấy tờ, chỉ cần CCCD là đăng ký khám, chữa bệnh BHYT và còn có thể dùng phần mềm VssID đăng ký khám, chữa bệnh BHYT.

Năm 2022, BHXH tỉnh đã giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 24.950 người. Trong đó, trợ cấp BHXH hằng tháng cho 920 người, BHXH một lần 8.298 người; 15.732 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 3.162 lượt người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 995.210 lượt bệnh nhân, với chi phí hơn 840 tỷ đồng...

Phòng khi có bệnh, yên tâm khi về già

Tham gia BHYT giúp nhiều gia đình người nghèo, cận nghèo, giảm bớt gánh nặng chi phí khám, xét nghiệm và điều trị bệnh khi không may lâm vào hoàn cảnh có người thân bị tai nạn, ốm đau hay mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, mãn tính.

Năm 2016, chị Vũ Thị Hường, tổ 4, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La phát hiện bị mắc bệnh suy tủy xương, phải điều trị ghép tế bào gốc. Năm 2018, sau nhiều lần xét nghiệm, em gái chị Hường có tế bào tương thích, được các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức thực hiện ghép tế bào gốc, với chi phí hơn 1 tỷ đồng. Kinh tế không dư giả, nhưng nhờ có thẻ BHYT với quyền lợi 5 năm liên tục, nên chị Hường được chữa bệnh và chỉ phải trả 300 triệu đồng tiền viện phí. Cầm trên tay một tập hóa đơn viện phí các loại, chị Vũ Thị Hường nói: BHYT đã cho tôi cơ hội chữa khỏi bệnh.

Chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho nhân dân tại Bưu điện huyện Sốp Cộp.

Không chỉ là điểm tựa khi bị tai nạn, ốm đau, BHYT còn mang lại cơ hội sống cho những người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mãn tính phải điều trị liên tục, dài ngày. Bác sĩ Lương Bảo Chung, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Phòng chống độc, phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: Với đặc thù của bệnh nhân suy thận phải chạy thận, lọc máu 3 lần/tuần, chi phí 10 triệu đồng/tháng; nhưng nhờ có BHYT, nhiều bệnh nhân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn được điều trị kịp thời, duy trì sự sống.

Ngoài chính sách ưu việt của BHYT, hiện nay, BHXH đang giúp nhiều người lao động khi về già có cuộc sống an nhàn hơn từ nguồn lương hưu hằng tháng và được chăm sóc sức khỏe thường xuyên vì được cơ quan BHXH cấp BHYT miễn phí. Đặc biệt, lương hưu được điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng kinh tế, nên cuộc sống của những người có lương hưu đa phần ổn định.

Là một trong những người chọn tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện sau khi nghỉ việc để về già được nhận lương hưu, bà Quàng Thị Hoan, 57 tuổi, tiểu khu 5, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La vui mừng vì giờ đây hằng tháng bà được lĩnh gần 3 triệu đồng tiền lương hưu. Bà Hoan nói: Tôi nguyên là Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ thị trấn Ít Ong, tháng 6/2021, đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng mới có gần 13 năm tham gia BHXH, nên không được hưởng lương hưu. Sau đó, cán bộ BHXH huyện Mường La tư vấn tôi tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm. Từ tháng 9/2022 đến nay, đều đặn tôi được nhận lương hưu.

Thêm vào đó, bằng hình thức xã hội hóa, năm 2022, tỉnh Sơn La còn vận động hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tặng 4.635 thẻ BHYT, trị giá trên 879 triệu đồng cho người có hoàn cảnh khó khăn; một doanh nghiệp ủng hộ 1 tỷ đồng nộp tiền nợ đóng BHXH cho người lao động của Công ty cổ phần xi măng Chiềng Sinh, để giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động.

Vì mục tiêu phát triển bền vững

Hiện nay, số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lên trên 32.000 người, với tổng số tiền hơn 143 tỷ đồng. Có thể thấy rõ BHXH, BHYT chính là trụ cột an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, hỗ trợ người lao động yên tâm, ổn định cuộc sống. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của bản thân khi còn sức khỏe, còn thu nhập để phòng khi ốm đau, để dành khi về già.

Thẻ BHYT - “phao cứu sinh” cho các bệnh nhân suy thận.

Tại Hội nghị giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; kêu gọi mỗi công chức, viên chức tặng một thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, phường, thị trấn thuộc vùng I, xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sử dụng linh hoạt các nguồn lực, như kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng chuyển sang hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đồng thời, giao chỉ tiêu phấn đấu, gần 150.000 người tham BHXH, đạt 19,7% lực lượng lao động trở lên; gần 1,2 triệu người tham gia BHYT, đảm bảo tỷ lệ bao phủ BHYT từ 96% dân số trở lên; trong đó, 100% học sinh, sinh viên và 90% trở lên hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT.

Với vị trí là trụ cột chính, quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT chính là góp phần bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân, vì mục tiêu phát triển bền vững. Ngành BHXH Sơn La xác định mục tiêu xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, để “Dân biết - dân hiểu - dân tin - dân hỗ trợ - dân tham gia - dân thụ hưởng”, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Quỳnh Ngọc - Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới