Đổi thay ở Chiềng Khừa

Trở lại xã biên giới Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, được đi trên tuyến đường nhựa phẳng phiu đến trung tâm xã, 2 bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố xen lẫn trong màu xanh của vườn cây ăn quả, chúng tôi cảm nhận sự thay đổi cuộc sống của nhân dân nơi đây.

Giọng nữ
Trung tâm xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu.

Ông Hà Văn Buôn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Khừa, gắn bó và chứng kiến những đổi thay ở vùng đất nơi đây, chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, Chiềng Khừa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đường giao thông đến trung tâm xã được trải nhựa từ năm 2021 giúp nhân dân đi lại, buôn bán hàng hóa thuận tiện hơn. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất đã giúp nhân dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Chiềng Khừa có 9 bản, 811 hộ, 3.869 nhân khẩu, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện và căn cứ trên điều kiện thực tế, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trồng các loại cây ăn quả, như: Cam, xoài, mận, mơ, nhãn, chanh leo. Từ năm 2021 đến nay, xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 16 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc và cải tạo vườn tạp cho nhân dân.

Cùng với đó, xã đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Các tổ chức đoàn thể của xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hội viên vay vốn, với tổng dư nợ hơn 23 tỷ đồng; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Mộc Châu cho vay vốn theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ, tổng dư nợ trên 1,5 tỷ đồng giúp các hộ nghèo, hộ sản xuất có vốn đầu tư phát triển kinh tế.

Ông Hà Văn Mươi, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khừa, cho biết: Triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự lực vươn lên. Chủ động chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, cải tạo vườn tạp, nuôi gia súc nhốt chuồng... Đến nay, cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực trên địa bàn xã, với tổng diện tích 300 ha. Bên cạnh đó, nhân dân duy trì thâm canh 42 ha lúa xuân, 352 ha ngô; chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Cùng cán bộ xã đến thăm mô hình trồng cam của gia đình bà Hà Thị Văn, bản Cang, là một trong những hộ có kinh tế khá nhờ chuyển đổi cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Bên vườn cam trĩu quả, bà Văn chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha đất dốc, trước kia chủ yếu là trồng ngô, mỗi năm chỉ thu được 5 tấn ngô bắp để phục vụ chăn nuôi. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi, tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để trồng 2.500 gốc bưởi Diễn, cam Vinh. Từ năm 2020 đến nay, mỗi năm thu hoạch hơn 15 tấn quả, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn xã Chiềng Khừa đã có sự đổi thay rõ rệt. Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư trên địa bàn xã đạt hơn 60 tỷ đồng, xây dựng 21 công trình. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân đã hiến đất, đóng góp tiền và hàng nghìn ngày công tham gia đổ bê tông hơn 6,6 km đường giao thông nội bản. Đến nay xã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những đổi thay tích cực tại Chiềng Khừa là minh chứng cho việc triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách về hỗ trợ đồng bào vùng cao biên giới, cùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chung lòng xây dựng xã vùng biên giới ngày một đổi thay.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới