Viết tiếp bản hùng ca, xây dựng quê hương giàu đẹp

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La, chúng tôi về huyện biên giới với dòng sông Mã, núi Mường Hung huyền thoại, nơi ghi dấu tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc địa phương, đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ kính yêu, anh dũng chống giặc thù, năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương giàu đẹp.

Người dân xã Mường Hung phát triển cây ăn quả.

Anh dũng trong kháng chiến

Thời kỳ thuộc Pháp, Mường Hung là một tổng, gồm các xã: Nà Nghịu, Chiềng Khoang, Chiềng Cang, Chiềng Khương, Mường Sại và Mường Hung. Thực hiện chính sách cai trị hà khắc, tàn bạo, thực dân Pháp đã tổ chức ở Mường Hung bộ máy chính quyền hàng tổng, đứng đầu là “phìa” - thực chất là chính quyền tay sai, bù nhìn của thực dân Pháp. Tại cây đa Mường Hung, thực dân Pháp đã hành hình nhiều chiến sĩ cách mạng và nhân dân Mường Hung nhằm tiêu diệt ý chí cách mạng của nhân dân ta. Cây đa Mường Hung là một chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai; đồng thời, là biểu tượng của lòng yêu nước, sự kiên trung, bất khuất của nhân dân.

Dưới tán Cây đa Mường Hung lịch sử, chúng tôi được cùng đoàn viên thanh viên trong xã nghe các cựu chiến binh kể về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông Cà Văn Chum, Chủ tịch Hội CCB xã, tự hào nói: Bất chấp sự đàn áp, khủng bố, chém giết của kẻ địch, nhân dân Mường Hung một lòng theo Đảng, theo cách mạng, cùng với bộ đội chủ lực lập nhiều chiến công xuất sắc, thoát khỏi ách kìm kẹp của phìa tạo và thực dân Pháp. Đến ngày 24/12/1952, nhân dân và Đội du kích Mường Hung đã phối hợp với bộ đội chủ lực nhất tề đứng lên tấn công tiêu diệt đồn Mường Hung, lật đổ chính quyền tay sai của thực dân Pháp. Trong trận tấn công này, ta đã tiêu diệt 4 tên sỹ quan Pháp, 78 tên lính dõng, 32 tên phỉ, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng của địch, Mường Hung hoàn toàn giải phóng.

Trải qua thăng trầm của thời gian, cây đa Mường Hung vẫn hiên ngang tỏa bóng bên dòng sông Mã như một nhân chứng lịch sử và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước cho các thế hệ. Anh Quàng Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã Mường Hung, cho biết: 5 năm qua, Đoàn xã tổ chức cho 1.200 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng tại Di tích lịch sử cây đa Mường Hung, góp phần bồi đắp tinh thần yêu nước, giúp thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Năng động trong xây dựng quê hương

 

Trở lại vùng quê cách mạng Mường Hung lần này, chúng tôi ấn tượng với những tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa bằng phẳng, nhà cửa xây dựng khang trang, những vườn cây ăn quả xanh tốt phủ kín các triền đồi... Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, đồng chí Bùi Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Hung, thông tin: Tự hào truyền thống cách mạng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mường Hung phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm viết tiếp bản hùng ca xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Đến nay, nhân dân đã chuyển đổi 405 ha đất đồi dốc trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả; 100% bản có đường giao thông đi lại được 4 mùa; có 24 bản có nhà văn hoá; các chương trình y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được triển khai rộng khắp; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 14,3%. Xã đạt 12/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM.

Minh chứng cho sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm kinh tế của người dân nơi đây, anh Quàng Văn Hính, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nà Lứa, bản Nà Lứa, nói: HTX có 21 thành viên, hiện HTX có 10 ha nhãn chín sớm, 30 ha nhãn miền, 8 ha xoài, 5 ha bưởi da xanh và 2 ha ổi, na. Năm 2022, HTX đã xuất bán trên 200 tấn nhãn ra thị trường, tổng doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng. Các thành viên HTX gắn kết, hỗ trợ nhau từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ thành viên có thu nhập khá từ trồng cây ăn quả.

Sông Mã hôm nay

Sau giải phóng Sơn La, đến ngày 7/3/1953, huyện Sông Mã được thành lập. Phát huy tinh thần cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sông Mã cùng các địa phương đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, dựng xây huyện biên giới đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo nên sự đổi thay rõ rệt trên quê hương anh hùng.

Thị trấn Sông Mã hôm nay. 

Sông Mã hôm nay mang trong mình sự năng động, trẻ trung, tràn sức sống, phố thị khang trang, nông thôn đổi mới. Đồng chí Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Sông Mã đang vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới. Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao nhiều năm liền, quy mô kinh tế được nâng lên, cơ cấu chuyển dịch tích cực. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng; văn hóa của đồng bào các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; tình hình biên giới ổn định, hoạt động đối ngoại hiệu quả, tích cực. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Huyện đang nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022), hướng đến chào mừng kỷ niệm 70 năm thành huyện Sông Mã (7/3/1953 - 7/3/2023).

Những thành quả to lớn đạt được là tiền đề, động lực, là niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã tiếp tục vững bước trên con đường xây dựng miền quê giàu truyền thống cách mạng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới