Xây dựng "thương hiệu" sản phẩm nông sản

Sơn La có nhiều sản phẩm đặc trưng địa phương, nhất là các sản phẩm từ nông nghiệp. Việc xây dựng, quản lý và phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản ngày càng được các cấp, các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm. Đây được xem giải pháp quan trọng tạo chỗ đứng cho sản phẩm hàng hoá trên thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.

Tăng giá trị sản phẩm nhờ "thương hiệu"

Đặc sản xoài tròn nổi tiếng ở huyện Yên Châu, là giống xoài bản địa, được người dân trồng từ lâu với đặc điểm quả nhỏ, tròn, khi chín thịt xoài có màu vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Hiện nay, huyện Yên Châu có gần 600 ha xoài tròn, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Với sự giúp đỡ của các sở, ngành và những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” với diện tích xoài trồng ở 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt. Chính thức tháng 7/2020, sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Nhờ "thương hiệu" mà thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cho các hộ trồng xoài được nâng cao.

Sản phẩm xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Xuân Tiến, xã Sặp Vạt cho biết: HTX có 60 ha xoài tròn, 100% diện tích nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý. Từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”, sản phẩm xoài tròn tạo thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, nhờ đó giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng. Mở rộng sản xuất, HTX đã thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm “Xoài sấy dẻo” từ quả xoài tròn, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, quả tươi và sản phẩm xoài sấy dẻo được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh và điểm du lịch trong cả nước, doanh thu hàng năm tăng từ 25-30%.

Khác với Yên Châu, huyện Thuận Châu có lợi thế phát triển cây chè. Năm 2018, sản phẩm chè của huyện Thuận Châu được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, đây là động lực để bà con mở rộng diện tích, phát triển vùng chè nguyên liệu lên gần 800 ha. Không chỉ tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, nâng cao đời sống người dân.

Vùng sản xuất chè Phổng Lái, huyện Thuận Châu. 

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, chia sẻ: Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu giúp sản phẩm chè Phổng Lái nói chung và sản phẩm chè của HTX nói riêng khẳng định "thương hiệu" và uy tín trên thị trường. Năm 2019, HTX xây dựng thành thương hiệu “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm vinh dự tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Tiếp tục giữ vững thương hiệu, HTX đẩy mạnh hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trung bình, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi/năm cho bà con; sản xuất 600 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước; xuất khẩu sang Đài Loan.

Nhận thấy, điểm chung các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chất lượng sản phẩm nâng lên, diện tích canh tác mở rộng, sản lượng tiêu thụ tăng cao, tăng thu nhập cho người sản xuất; thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm. Việc xây dựng "thương hiệu" cho sản phẩm đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, HTX; gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Phát triển "thương hiệu" tương xứng tiềm năng

Sơn La có trên 83.000 ha cây ăn quả (nhãn, xoài, na, chuối, mận, chanh leo, bơ, sơn tra...) sản lượng trên 362.000 tấn/năm; 18.960 ha cà phê, sản lượng cà phê nhân đạt trên 29.600 tấn. Đây là những sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, có lợi thế xuất khẩu.

Xu thế cạnh tranh của thị trường đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ cơ quan chức năng. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp triển khai 24 dự án xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực mang địa danh của tỉnh (1 dự án cấp quốc gia, 23 dự án cấp tỉnh).

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông sản mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, gồm: 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý là cà phê Sơn La, chè Shan tuyết Mộc Châu, xoài tròn Yên Châu; 18 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 3 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa Bắc Yên; mật ong Sơn La; khoai sọ Thuận Châu.

Đặc biệt, sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái Lan và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm nông sản sau khi đăng ký thành công "thương hiệu", ngày càng khẳng định giá trị, thương hiệu và uy tín, chất lượng trên thị trường.

Nhãn Sông Mã là 1 trong 18 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

Qua thực tế, khi được chứng nhận nhãn hiệu, nhiều sản phẩm tiếp tục khẳng định được lợi thế, vươn xa hơn trên thị trường. Tiêu biểu, như: chè Olong Mộc Châu, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên, bơ Mộc Châu, na Mai Sơn, chè Phổng Lái Thuận Châu, nếp Mường Và - Sốp Cộp, chuối Yên Châu… Hết năm 2022, toàn tỉnh đã xuất khẩu và giới thiệu 17 sản phẩm nông sản sang thị trường 21 nước và vùng lãnh thổ.

Nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn chăm sóc na. 

Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ luôn quân tâm, phối hợp với các đơn vị tư vấn, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức nhiều đợt khảo sát, đánh giá tiềm năng xây dựng thương hiệu sản phẩm; tổ chức các hội thảo khoa học đánh giá, lựa chọn các sản phẩm có tiềm năng, đưa vào danh mục các sản phẩm xây dựng và phát triển "thương hiệu" theo giai đoạn và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Năm 2023, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng, phát triển "thương hiệu" cho 3 sản phẩm: Thanh long Sơn La; Gạo Phù Yên; Rượu Hang Chú Bắc Yên; hoàn thiện dự án đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sơn La” tại Trung Quốc cho sản phẩm nhãn và xoài. Ngoài ra, phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai dự án cấp Quốc gia “Đăng ký bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ việc quản lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm dịch vụ du lịch long hồ Sông Đà của tỉnh Sơn La”; triển khai quy trình xây dựng thương hiệu các nhiệm vụ được UBND tỉnh đặt hàng, gồm: Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”, “Dứa Sơn La”, “Chè Tà Xùa Bắc Yên”...

Nâng cao nhận thức xây dựng "thương hiệu" nông sản

Cụ thể hóa các mục tiêu Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đơn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được chấp nhận đạt từ 250 đơn trở lên, số văn bằng bảo hộ được cấp tăng từ 1,5 lần so với giai đoạn 2015-2020. Hỗ trợ tạo lập và quản lý, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể từ 30 sản phẩm chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP và sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Khai thác, quản lý và phát triển, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng cho từ 5 sản phẩm hàng hóa đã được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích; đăng ký bảo hộ cho 2 sản phẩm đặc thù mang địa danh của tỉnh ra nước ngoài…

 Sản phẩm rượu Hang Chú Bắc Yên được lựa chọn xây dựng và phát triển thương hiệu trong năm 2023.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các địa phương về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; tăng cường tập huấn, tuyên truyền để doanh nghiệp, HTX hiểu hơn về quyền lợi khi đăng ký nhãn hiệu, lợi ích cũng như hiệu quả khi xây dựng "thương hiệu" các sản phẩm chủ lực địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý chất lượng, hậu kiểm các sản phẩm mang thương hiệu, các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực địa phương trong thực hiện các cam kết theo quy định để giữ vững uy tín của thương hiệu. Song song với đó, nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang tập trung hàng hóa, áp dụng quy trình thực hành an toàn, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.

Có thể khẳng định, việc xây dựng, phát triển "thương hiệu" sản phẩm nông sản sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới