“Trụ đỡ” cho nông sản

Sơn La có tiềm năng về nông nghiệp, đa dạng các loại nông sản, nhất là diện tích cây ăn quả đứng thứ 2 toàn quốc với trên 83.000 ha cây ăn quả, sản lượng hơn 362.000 tấn/năm. Những năm qua, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đảm bảo đầu ra, nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến

Công nghiệp chế biến đóng vai trò quan trọng, là “trụ đỡ” cho ngành nông nghiệp, ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến nông sản hiện có; tại các huyện, thành phố có ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu.

Nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả Nafoods Tây Bắc.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành đã phối hợp rà soát quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến của tỉnh gắn với phương án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ khuyến khích các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 khu công nghiệp Mai Sơn có quy mô 150 ha và quy hoạch 8 cụm công nghiệp, trong đó, 2 cụm đã đi vào hoạt động ở huyện Mộc Châu và Phù Yên. Cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, thiết bị công nghệ hiện đại, sử dụng lao động địa phương. Cơ cấu thành phần ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cũng có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giảm tỷ trọng các doanh nghiệp chế biến nông sản thuộc thành phần kinh tế Nhà nước.

Những kết quả tích cực

Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, (Công ty cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ thuộc Tập đoàn TH) tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược/ngày. Giai đoạn 1, sẽ giải quyết 15.000 ha vùng nguyên liệu; sản xuất các loại nước ép rau, củ, quả tự nhiên, không qua xử lý nhiệt. Ông Nguyễn Văn Huấn, Quyền Giám đốc nhà máy, thông tin: Đến nay, đã vận hành được 3 dây chuyền sản xuất chế biến các loại quả nhãn, cam và xoài. Liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh thu mua gần 1.200 tấn quả nhãn, cam, xoài để sản xuất nước ép cô đặc cung cấp cho các đơn vị thuộc Tập đoàn TH.

Dây chuyền sản xuất của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Cuối năm 2017, Công ty cổ phần chế biến nông sản BHL Sơn La đã hoàn thành việc xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại khu công nghiệp Mai Sơn. Ông Vũ Hưng Bình, Giám đốc Công ty cho biết: Kết thúc niên vụ 2021 - 2022, Công ty đã sản xuất được gần 36.000 tấn tinh bột sắn; thu mua trên 135.400 tấn sắn tươi; doanh thu đạt trên 380 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động địa phương và hàng nghìn lao động gián tiếp. Với mục tiêu chế biến sâu nông sản, tháng 10/2021, Công ty được UBND tỉnh Sơn La chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy chế biến đường lỏng glucose, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023.

Trung tâm chế biến rau, quả Doveco tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, năm 2022, Trung tâm đã thu mua 1.171 tấn dứa, 427 tấn chanh leo, 1.570 tấn xoài, 888 tấn ngô ngọt, 255 tấn đậu tương rau chuyển về nhà máy chế biến rau quả Doveco Ninh Bình. Bên cạnh đó, Trung tâm đã liên kết với doanh nghiệp, HTX trên địa bàn các huyện trồng được trên 230 ha dứa, gần 200 ha chanh leo, hơn 350 ha ngô ngọt và đậu tương rau.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trong việc thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến gắn với vùng sản xuất tập trung. Đến nay, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; trong đó, có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Với sự đầu tư chiến lược, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: Sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn... Sản phẩm nông sản chế biến đã tăng nhanh về số lượng, mẫu mã, chất lượng cũng như giá trị, đảm bảo các quy chuẩn trong nước và quốc tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; tạo đột phá sớm hiện thực mục tiêu xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới