Thuận Châu nâng cao giá trị sản phẩm nông sản địa phương

Những năm qua, huyện Thuận Châu đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản; đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng sản xuất, phát triển các chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nhân dân.

Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, với các sản phẩm, như: Thanh long, chè, cà phê, khoai sọ, sơn tra, chanh leo, xoài... Đây là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện có lợi thế về phát triển và hướng đến xuất khẩu. Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đã thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; khai thác lợi thế của từng vùng, địa phương để thực hiện tốt chương trình OCOP. Tăng cường liên kết, xúc tiến, giới thiệu, quảng bá nông sản của huyện, nhất là các nông sản chủ lực, có giá trị cao.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo huyện Thuận Châu kiểm tra, mô hình trồng khoai sọ tại xã Chiềng Pha

Hằng năm, huyện đã chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng các thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, tăng tính cạnh tranh và hướng đến xuất khẩu. Đến nay, huyện đã triển khai chuẩn hóa sản phẩm OCOP đối với sản phẩm Coffee Arabica Minh Trí; thịt hun khói Tông Cọ; mật ong Phổng Lái; 5 sản phẩm nông nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, đó là cà phê Sơn La, chè Phổng Lái, khoai sọ Thuận Châu, sơn tra Sơn La, cá sông Đà. Có 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, gồm sản phẩm du lịch điểm du lịch Pha Đin Top; trà Olong Thu Đan; cá rô phi lê sông Đà; cá trắm hun khói Chiềng La; chè Trọng Nguyên.

Công nhân Công ty TNHH Trà Thu Đan vận hành dây truyền chế biến chè 

Trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện đã quy hoạch 3 vùng kinh tế, gồm: Vùng kinh tế dọc quốc lộ 6, chủ yếu tập trung chuyên canh cây chè, cà phê, khoai sọ và các loại cây ăn quả; các xã vùng cao, vùng sâu phát triển nông, lâm nghiệp - dịch vụ; vùng dọc sông Đà phát triển các cây công nghiệp như cà phê, cao su, trồng rừng, khai thác tốt mặt nước hồ sông Đà nuôi trồng thủy sản. Quan tâm xúc tiến thương mại, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản địa phương, như: Tổ chức các chuỗi xúc tiến thương mại tại các tuần hàng, hội nghị xúc tiến thương mại; truyền thông, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa hàng hóa nông sản của huyện đến với thị trường trong và ngoài nước; phối hợp với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh xuất khẩu chè, cà phê nhân, xoài, thanh long sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, Tây Âu, Trung Âu. Hiện nay, huyện đã hình thành 11 chuỗi sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gồm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, chanh leo, nhãn, khoai sọ, nhãn hữu cơ, cà phê, rau quả trái vụ. 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với trên 400 ha; 10 mã số vùng trồng các loại cây ăn quả, trong đó 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, DuBai, Nhật Bản...

Nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu trồng cây sa nhân

Sản phẩm nông sản mang thương hiệu của huyện được thị trường đón nhận là khoai sọ Thuận Châu. Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 150 ha khoai sọ, sản lượng 1.500 tấn/năm, trồng tập trung ở các xã: Chiềng Ly, Chiềng Bôm, Nậm Lầu. Khoai sọ Thuận Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam cần được giữ gìn và phát triển. Xây dựng nâng tầm thương hiệu khoai sọ, huyện hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác, nhân dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi để nâng cao chất lượng, sản lượng; phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai, bảo đảm sạch và an toàn. Quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất khoai sọ. Trong tổng số 150 ha khoai sọ trên địa bàn huyện, có 82 ha giống khoai sọ bản địa, được phục tráng bằng công nghệ nuôi cấy mô, lọc ra gen tốt nhất, được liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và đã được xuất bán tại các siêu thị lớn trong cả nước.

Ông Lương Quốc Huy, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Muổi Nọi, thông tin: Là đơn vị duy nhất được huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Khoai sọ Thuận Châu, HTX đã liên kết với hơn 500 hộ dân tại các xã Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Chiềng Ly, trồng khoai theo tiêu chuẩn VietGAP. Hằng năm, HTX liên kết thu mua gần 1.000 tấn khoai, với giá 25 nghìn đồng/kg. Đồng thời, tiến hành chế biến khoai sọ, với các sản phẩm khoai sọ hút chân không cấp đông, khoai sấy tẩm mật ong và nấu rượu khoai.

Sản phẩm Mật ong Phổng Lái Thuận Châu được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao

Khai thác lợi thế của địa phương có nhiều nguồn hoa, nhất là hoa sa nhân, nhãn, các hộ dân xã Phổng Lái đã phát triển mô hình nuôi ong lấy mật và liên kết thành lập HTX ong Phổng Lái. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc HTX ong Phổng Lái, chia sẻ: Sau hơn 5 năm hoạt động, đến nay, HTX có 13 thành viên, nuôi trên 1.000 đàn ong. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, HTX đã áp dụng thành công quy trình và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc, nuôi ong và khai thác mật. Năm 2022, sản phẩm mật ong Phổng Lái của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Mỗi năm HTX thu hoạch 30 tấn mật với giá giao động từ 130.000-170.000 đồng/lít, trừ chi phí thu gần 3 tỷ đồng.

Với việc triển khai nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, huyện Thuận Châu đã tăng sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản trên thị trường, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới