Thu hút đầu tư công nghiệp chế biến nông sản

Sơn La có diện tích tự nhiên trên 1.410.983 ha, lớn thứ 3 cả nước và đứng đầu khu vực Trung du miền núi Bắc Bộ; trong đó, có 28,98% diện tích đất nông nghiệp. Với 2 cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản và 40.000 ha vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình, cùng với đất đại màu mỡ, khí hậu thích hợp phát triển nông nghiệp, nhất là cây công nghiệp và cây ăn quả. Những năm qua, tỉnh Sơn La đã xây dựng, ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, thu hút nhiều nhà đầu tư có tiềm lực xây dựng các nhà máy chế biến, bảo quản, xuất khẩu nông sản.

                                 

 

Nhà máy chế biến chanh leo, rau củ quả Nafoods Tây Bắc, huyện Mộc Châu.

           

Tạo bước đột phá cho nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 5 nghị quyết, kết luận, thông báo về các định hướng lãnh đạo chỉ đạo thúc đẩy nông nghiệp và chế biến nông sản. HĐND tỉnh đã ban hành 3 nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh đã ban hành 3 quyết định, 1 kế hoạch khuyến khích, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản.          

Với chủ trương đúng, trúng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, tỉnh Sơn La đã cải tạo, trồng mới hàng trăm nghìn ha cây ăn quả, đưa Sơn La vươn lên trở thành vựa trái cây lớn thứ hai của cả nước. Một số vùng nguyên liệu nông sản vươn lên đứng tốp đầu cả nước về sản lượng và chất lượng, như: Nhãn, mận, xoài, cà phê Arabica, sắn, mía, chè...

           

Dây chuyền chế biến của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phú Yên - Chi nhánh Sơn La.

Phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, tỉnh Sơn La đã thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào Sơn La. Hiện, toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; trong đó, 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, gồm 35 cơ sở sản xuất chè; 1 nhà máy đường; 2 nhà máy tinh bột sắn; 1 nhà máy sữa; 1 nhà máy tơ tằm; 1 nhà máy sơ chế, chế biến chanh leo; 1 nhà máy chế biến cao su; 2 nhà máy chế biến rau, quả; 7 cơ sở chế biến cà phê nhân. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh ta còn có 2.500 cơ sở sấy long nhãn, lò sấy hoa quả. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được đưa vào chế biến 100% sản lượng, như: Sữa, cà phê, mía đường, chè, sắn. Riêng sản phẩm quả, tỷ lệ đưa vào chế biến đạt gần 30% sản lượng quả tươi.

           Thăm nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ, Tập đoàn TH, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, có công suất chế biến 300 tấn rau, hoa quả, thảo dược/ngày. Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm sạch Vân Hồ, thông tin: Nhà máy có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, sẽ giải quyết 15.000 ha vùng nguyên liệu. Các loại quả thu mua chế biến, gồm: Nhãn, ổi, xoài, cam, chanh leo, táo mèo... và sản xuất các loại nước ép rau củ quả hoàn toàn tự nhiên, an toàn. Công ty đã vận hành được dây chuyền chế biến cam và dây chuyền chế biến nhãn. Năm 2021, đã liên kết với các HTX trên địa bàn tỉnh thu mua gần 800 tấn quả nhãn và cam để sản xuất nước ép cô đặc cung cấp cho các đơn vị trong hệ sinh thái của Tập đoàn TH. Trong tháng 4 này, Nhà máy sẽ lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất nước ép quả xoài. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất nước ép cam, nhãn và chạy thử nghiệm sản xuất nước ép quả xoài và nghiên cứu thêm các sản phẩm siro, quả sấy cung cấp cho các đơn vị trong hệ sinh thái của Tập đoàn TH và một phần đưa sang xuất khẩu.

           

Kiểm tra chất lượng nguyên liệu trước khi đưa vào Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

           

Còn tại Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc xây dựng tại huyện Mộc Châu, có mạng lưới vùng nguyên liệu và các cơ sở thu mua các loại nông sản, trái cây của hầu hết các tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc, Đông Bắc, trong đó lấy Sơn La là trọng tâm của vùng nguyên liệu và đặt nhà máy chế biến. Ông Mai Văn Quang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, thông tin: Năm 2021, do diện tích vùng nguyên liệu chanh leo giảm, nên đơn vị chỉ thu mua được 3.500 tấn quả chanh leo, 300 tấn nhãn quả và 800 tấn dứa ở các tỉnh giáp ranh với Sơn La. Để đa dạng các sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của các thị trường các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Năm 2022, Nafoods Tây Bắc được giao thu mua 50.000 tấn chanh leo, 2.000 tấn dứa, 500-1.000 tấn nhãn, 500 tấn xoài, 500-600 tấn chuối tiêu, 800-1.000 tấn vải, 300-500 tấn gấc lai để chế biến các sản phẩm xuất khẩu.

           

Tại huyện Mai Sơn, Trung tâm chế biến và xuất khẩu rau, củ quả Doveco của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đồng Giao đang được đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các hạng mục nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền chế biến. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Doveco Chi nhánh Sơn La, cho biết: Dự án có diện tích gần 9 ha, với quy mô dự kiến 52.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Công ty đã ký hợp đồng và triển khai trồng mới 275 ha dứa Queen, 160 ha chanh leo, 250 ha ngô ngọt, 162 ha đậu tương trên địa bàn các huyện để đảm bảo nguyên liệu sản xuất. Năm 2022, Trung tâm sẽ thu mua 15.000 - 20.000 tấn xoài, 4.000 tấn dứa, 3.500 tấn chanh leo; 15.000 tấn ngô ngọt, 5.000 tấn đậu tương rau, 5.000 tấn rau chân vịt để chế biến phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ, Trung Quốc, UEA. Hiện, Trung tâm đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục giai đoạn 1 và dự kiến đầu tháng 5/2022 sẽ hoàn thành lắp đặt chạy thử dây chuyền sản xuất đồ hộp và lạnh IQF với các sản phẩm chế biến từ ngô ngọt, xoài, dứa. 

           

Tiếp tục mở rộng công nghiệp chế biến nông sản, ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu phấn đấu thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến nông sản hiện có; tại các huyện, thành phố có ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm. 

           

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngày 23/3/2022, UBND tỉnh Sơn La đã xây dựng, ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong năm 2022, với 11 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, giao các sở, ban, ngành của tỉnh, các huyện, thành phố tập trung rà soát phương án quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến của tỉnh gắp với phương án phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản; huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hỗ trợ khuyến khích các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. 

           

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tỉnh Sơn La đã và đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển theo đúng định hướng, đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới