Sẵn sàng cho vụ sản xuất cà phê

Vụ cà phê năm nay thu hoạch muộn hơn so với năm 2022 khoảng 1 tháng. Thời điểm này các địa phương, đơn vị và các cơ sở, nhà máy chế biến cà phê đã và đang đảm bảo điều kiện sẵn sàng bước vào vụ sản xuất, nhất là phục vụ cho Lễ hội cà phê lần thứ nhất được tỉnh ta tổ chức.

Lắp ráp dây chuyền chế biến tại Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La.

Hướng tới Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất

Niên vụ 2023-2024, toàn tỉnh có 20.708 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Thành phố, tăng 1.872ha, sản lượng ước đạt 32.493 tấn cà phê nhân, tăng 8,36% so với niên vụ 2022- 2023. Khác hẳn với mọi năm, vụ thu hoạch cà phê năm nay diễn ra một sự kiện quan trọng, tỉnh ta tổ chức Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất, năm 2023. Lễ hội khẳng định về một cây trồng có thế mạnh của tỉnh. Hiện nay, “Cà phê Sơn La” đã xuất khẩu đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lễ hội Cà phê Sơn La lần thứ nhất năm 2023 dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10 với nhiều hoạt động, như: Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La”; Hội thảo nâng cao chất lượng cà phê Sơn La; hội nghị kết nối giao thương sản phẩm cà phê; trưng bày ảnh đẹp về cà phê Sơn La. Cùng với đó, sẽ diễn ra các hoạt động: Khánh thành các dự án đầu tư vào lĩnh vực cà phê; Hội thi nhà nông đua tài; đêm Gala cà phê; tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê... Lễ hội với quy mô cấp tỉnh, nhằm mục đích quảng bá thương hiệu cà phê Sơn La; phát triển cà phê chất lượng cao, nâng tầm giá trị, tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê. Đây là cơ hội để tỉnh Sơn La giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh; xúc tiến, thu hút đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh, chế biến cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác của tỉnh.

Ban Tổ chức Lễ hội đã bám sát kế hoạch, hoàn thiện các nội dung, nhiệm vụ được phân công để tham mưu tổ chức các hoạt động đảm bảo trang trọng, ý nghĩa, tiết kiệm, an toàn. Đặc biệt là công tác phối hợp tổ chức các hoạt động ở những vùng có truyền thống trồng cà phê lâu năm của tỉnh trên địa bàn thành phố Sơn La và huyện Mai Sơn gắn với việc khánh thành các nhà máy đầu tư chế biến cà phê mang tính đột phá, liên kết chặt chẽ giữa trồng, chăm bón, thu hoạch, chế biến cà phê và bảo vệ môi trường; Xây dựng thương hiệu “Cà phê Sơn La” thực sự bền vững, chất lượng, an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cán bộ Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hướng dẫn nhân dân chăm sóc, thu hái quả cà phê.

Sẵn sàng các điều kiện tiêu thụ và chế biến

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Nâng cao năng suất, chất lượng cà phê theo chỉ đạo của tỉnh, Sở đã chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn, chỉ đạo quản lý phát triển vùng nguyên liệu cà phê đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến cà phê; triển khai các chương trình tái canh cà phê bằng cách đốn tỉa, ghép cải tạo, trồng mới những diện tích cà phê già cỗi bằng giống cà phê mới năng suất, chất lượng cao, phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững; vùng ứng dụng công nghệ cao cho cây cà phê; hướng dẫn kỹ thuật thu hái quả cà phê... Bằng nhiều giải pháp, năm nay diện tích cà phê của tỉnh được mở rộng, chất lượng cà phê được nâng lên, sản lượng thì tăng so với những vụ trước.

Năm nay, toàn tỉnh có 7 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp, gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Cát Quế; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy; HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh; Hợp tác xã Cà phê Bích Thao; HTX Ara-Tay Coffee, với công suất chế biến trung bình trên 1.000 tấn quả tươi/ngày. Đặc biệt là vụ thu hoạch năm nay có thêm Nhà máy chế biến cà phê Sơn La của Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn. Nhà máy có công suất chế biến 50.000 tấn quả tươi/năm, sản lượng cà phê nhân khoảng 12.500 tấn, tổng vốn đầu tư 56 tỷ đồng. Nhà máy phấn đấu chạy thử dây chuyền vào cuối tháng 9/2023, để kịp thời thu mua cà phê cho nhân dân.

Kiểm tra hệ thống xử lý nước tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La.

Đứng chân trên địa bàn xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La cũng chuẩn bị các điều kiện thu mua, sơ chế, chế biến cà phê phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông tin: Niên vụ 2023-2024, Công ty dự kiến thu mua 15.000-18.000 tấn cà phê quả tươi, 4.000 tấn nhân. Công ty đã và đang liên kết với 1.500 hộ, quy mô 1.900 ha vùng trồng cà phê chất lượng cao, đặc sản, cà phê trồng theo tiêu chuẩn RA. Đặc biệt, Công ty đang hoàn thiện dây chuyền chế biến chè từ vỏ cà phê tại Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La.

Chế biến gắn với bảo vệ môi trường

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, xử lý hiệu quả các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến cà phê niên vụ 2023-2024, bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Ngày 2/8/2023, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Công văn số 2966/UBND-KT về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh niên vụ 2023-2024. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu duy trì các tổ công tác tổ chức kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật đối với các cơ sở có xả thải chất thải rắn từ hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, trong đó có cà phê chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trực tiếp ra ngoài môi trường.

Ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, thông tin: Đến thời điểm này, có Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Chanh; HTX Ara- Tay Coffee và 146 hộ đã đăng ký sơ chế cà phê niên vụ 2023-2024. Phòng đã hướng dẫn các hộ hoàn thiện thủ tục về môi trường; hướng dẫn UBND các xã xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước trong hoạt động chế biến nông sản; thời gian kiểm tra, giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2024.

Sở TN&MT Sơn La ban hành thông báo số 1030/TB-STNMT về số điện thoại đường dây nóng và địa chỉ tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động quản lý Nhà nước của Sở TN&MT. Điểm mới, năm nay, tỉnh yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ cũng phải lắp đặt camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải và truyền dữ liệu hình ảnh về cơ quan quản lý và bảo vệ môi trường để thực hiện theo dõi, giám sát 24/24 giờ trong suốt niên vụ sản xuất.

Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Sông Lam, chia sẻ: Với mục đích giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tận dụng các nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có vỏ cà phê trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung để sản xuất ra sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp an toàn, hữu cơ, tạo vòng tuần hoàn xanh bền vững. Theo đó, Công ty phân bón Sông Lam đã lựa chọn công nghệ sản xuất phân bón vi sinh, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến phân bón với công suất 45.000 tấn phân hữu cơ vi sinh/năm, mỗi năm tiêu thụ từ 70.000 - 80.000 tấn rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp từ sớm và toàn diện, trong đó gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền từ các huyện, thành phố đến các xã, phường. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, góp phần bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê cho hộ dân, gắn với bảo vệ môi trường hiệu quả, tất cả vì niên vụ cà phê 2023-2024 thắng lợi.

Bài, ảnh: Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới