Sẵn sàng các phương án tiêu thụ nông sản

Chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch nông sản, để đảm bảo các hoạt động tiêu thụ, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các phương án, kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm với mục tiêu xuất khẩu, tiêu thụ trên 18.700 tấn quả các loại, giá trị ước đạt trên 25,2 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022.

Hướng dẫn kỹ thuật bao trái xoài.

Nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh

Chuẩn bị vụ tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử và xuất khẩu sản phẩm hàng hóa làm cơ sở cho các ngành chức năng triển khai nhiệm vụ. Các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ nông sản; cung cấp nguyên liệu các nhà máy, cơ sở chế biến trong và ngoài tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nâng cao chất lượng sản phẩm quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp năm 2023. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp từ giám sát diện tích đã cấp VietGAP, GlobalGAP, mã số vùng trồng; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, kỹ thuật thu hái, sơ chế, bảo quản cho lao động tại các doanh nghiệp, HTX. Đẩy mạnh liên kết sản xuất với nhu cầu thị trường, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp thu gom, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Hỗ trợ phát triển các cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu, trước mắt là thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, duy trì, mở rộng mạng lưới phân phối, trong đó, tập trung vào thị trường Trung Quốc với các sản phẩm trái cây tươi, mở rộng, phát triển các thị trường tiềm năng, các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực EU. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố cập nhật, cung cấp các thông tin liên quan đến các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; các cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu...

Tại huyện Mai Sơn, vùng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, với trên 11.000 ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước năm nay đạt trên 90.000 tấn. Các sản phẩm nông sản của huyện ngày càng khẳng định được thương hiệu, vươn ra thị trường quốc tế. Ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân đẩy mạnh sản xuất theo hướng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tốt và đặc biệt là sản xuất theo chuỗi liên kết, xây dựng thương hiệu cho nông sản của Mai Sơn. Sắp xếp tái cơ cấu lại các HTX hoạt động không hiệu quả. Hỗ trợ mở rộng cơ sở có nhu cầu cấp mã số đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu.

Vườn nhãn của HTX Dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn đang trong thời kỳ đậu quả.

Vườn nhãn của HTX Dịch vụ nông nghiệp nhãn chín muộn, tiểu khu Nà Sản, xã Chiềng Mung thời điểm này đang đậu quả non. Các thành viên HTX tích cực áp dụng các biện pháp xử lý,  tăng tỷ lệ đậu quả cao, tập trung phòng trừ sâu, bệnh gây hại. Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 12 thành viên, quy mô trên 100 ha nhãn. Vụ nhãn năm nay, HTX dự kiến thu khoảng 1.200 tấn. Để giảm áp lực tiêu thu mùa vụ, HTX lựa chọn giống nhãn chín muộn thâm canh, thu hoạch muộn hơn nhãn chính vụ 1 tháng.

Còn tại huyện Mường La, nông dân đang tập trung chăm sóc các loại cây ăn quả, sản xuất theo nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Theo kế hoạch, năm nay, huyện phấn đấu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gần 3.000 tấn quả tươi gồm nhãn, xoài, chuối. Thực hiện mục tiêu, huyện đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu; chú trọng quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng nông sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, bảo quản. Đồng thời, khuyến khích thành lập các HTX sản xuất theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ; phân công rõ trách nhiệm các phòng, ban chuyên môn trong việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.

Kết nối sản xuất và thương mại

Sau 3 năm khởi công xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, tháng 5 này, Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La chính thức vận hành các dây chuyền sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Chi nhánh, thông tin: Bên cạnh 3 dây chuyền sản xuất như dự kiến ban đầu, chúng tôi lắp thêm dây chuyền sản xuất lon hộp, phù hợp với vùng nguyên liệu và cơ cấu sản phẩm tại tỉnh Sơn La. Ngoài các nông sản đã liên kết với nông dân, niên vụ năm nay, đơn vị sẽ thu mua 7.000 đến 10.000 tấn xoài; 2.500 - 3.000 tấn nhãn, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Với kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông sản, bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Trường Mai, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Thị trường xuất khẩu quả tươi hiện nay đòi hỏi cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc sản phẩm, mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu. Do đó, rất mong các sở, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc, đáp ứng yêu cầu đối tác. Năm nay, Trung Quốc bãi bỏ các biện pháp cách ly, phong tỏa bắt buộc trong chính sách “Zero Covid”, đây là cơ hội để công ty liên kết với các đơn vị của Trung Quốc đưa nông sản xuất khẩu.

Tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh kỹ năng livestream và xây dựng clip quảng bá nông sản tại Thành phố.

Cùng với hoạt động kết nối, khảo sát nhu cầu bao tiêu sản phẩm, tỉnh Sơn La đã kết nối với các đơn vị đưa sản phẩm nông sản Sơn La lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó giám đốc Sở Công Thương, thông tin: Một trong những hoạt động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ứng dụng TMĐT để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm hàng hóa là xây dựng website TMĐT, phần mềm quản lý bán hàng; tập huấn kỹ năng tham gia sàn TMĐT, tập huấn kỹ năng livestream bán hàng trên các sàn TMĐT, các trang mạng xã hội.

Hiện nay, Sở Công Thương đang tiếp tục triển khai Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Sơn La; phối hợp với VNPT Sơn La, các sở, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản của tỉnh. Xây dựng trang thông tin giới thiệu sản phẩm với 42 doanh nghiệp, HTX và 52 sản phẩm nông sản tiêu biểu bằng 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung; hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên 3 sàn TMĐT quốc tế là: Alibaba.com, EC21.com, Agrimp.com. Sở cũng thiết lập kênh Youtube nông sản Sơn La, xây dựng các bài viết, hình ảnh, video giới thiệu sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ, quảng bá sâu rộng sản phẩm nông sản tiêu biểu của Sơn La ra thị trường nước ngoài. Phối hợp tổ chức tập huấn kỹ năng livestream và xây dựng kênh tiktok tại thành phố Sơn La, huyện Yên Châu...

Dự báo, thị trường xuất khẩu đang dần mở cửa và việc giảm bớt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tạo thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu. Cùng với đó, là sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và sự chuẩn bị kỹ phương án, kịch bản tiêu thụ cho từng loại trái cây đang kỳ vọng mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, nâng tầm giá trị các mặt hàng nông sản của tỉnh Sơn La.

BOX: Năm 2023, Sơn La có trên 84.700 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả dự kiến đạt gần 452.000 tấn, tăng 28% so với năm 2022. Một số loại cây ăn quả có sản lượng lớn: Chuối 55.000 tấn; mận gần 90.000 tấn; xoài 81.000 tấn, nhãn 139.000 tấn. Toàn tỉnh có 281 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Úc, Newzealand, Mỹ, Trung Quốc, EU và các thị trường khác, diện tích trên 4.600 ha với những loại cây ăn quả: xoài, nhãn, chuối, thanh long, mận hậu, mắc ca; sản lượng 46.000 tấn; có 34 cơ sở đóng gói quả tươi phục vụ xuất khẩu.
Yến Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới