Nuôi ong rừng lấy mật ở Nậm Lạnh

Nuôi ong rừng lấy mật ở xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp đã có từ lâu, nhưng chủ yếu là phục vụ nhu cầu của gia đình. Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế nên nhân dân trong xã đã mở rộng quy mô, tăng thêm số lượng đàn, đưa nghề nuôi ong rừng trở thành hướng đi tiềm năng có thu nhập cao.

Nhân dân bản Púng Tòng, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp nuôi ong rừng lấy mật.

Việc nuôi ong rừng được bà con làm bằng cách lấy thân cây đục rỗng hoặc lấy ván đóng thành hòm để quanh nhà, ngoài vườn, lán nương... dụ ong rừng đến làm tổ, đến mùa là thu hoạch lấy mật. Với cách làm này, số lượng đàn ong ngày càng tăng lên, hiện nay, xã có hơn 100 hộ nuôi ong rừng lấy mật, với tổng số trên 650 đàn. Nuôi ong rừng tự nhiên, ngoài lợi ích kinh tế, tạo việc làm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giúp thụ phấn cho các loại cây trồng, làm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ở xã Nậm Lạnh, thời gian rộ mật nhất là tháng 4 và tháng 5, người nuôi có thể quay mật từ 1 đến 2 lần trong tháng. Chất lượng mật thời điểm này cũng được đánh giá là tốt nhất trong năm. Với mỗi tổ cho khoảng 10 kg cả sáp và mật thơm ngon, trị giá hơn 1,2 triệu đồng/tổ/năm. Hiện nay, các hộ trong xã đều nuôi ong rừng theo cách này, nhà ít nuôi 2-3 tổ, nhà nhiều từ 50-60 tổ; trong đó tập trung nhiều nhất ở những bản có diện tích rừng phát triển tốt và nhiều cây ăn quả, như bản Lọng Tòng, Cang Kéo, bản Cang, bản Phổng...

Tới thăm mô hình nuôi ong rừng lấy mật của gia đình ông Vì Văn Lánh, bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, là một trong những hộ có số lượng đàn ong lớn nhất xã hiện nay. Ông Lánh chia sẻ: Gia đình đã nuôi ong rừng tự nhiên lấy mật hơn 10 năm nay, hiện có hơn 60 đàn ong. Trung bình mỗi năm gia đình thu hoạch hơn 600 kg mật và sáp, bán với giá 120.000-130.000 đồng/kg, thu hơn 70 triệu đồng. Nuôi ong rừng tự nhiên phải theo dõi thường xuyên, nhất là phải hiểu được tập tính của ong để chăm sóc thì đàn ong mới không bỏ tổ.

Theo ông Lánh, ong rừng có hình dạng giống ong mật nuôi, nhưng nhỏ hơn, khỏe hơn, dữ hơn, thời gian làm mật nhanh hơn so với giống ong nuôi. Ong rừng sinh sản chủ yếu vào tháng 2, tháng 3, đây là thời điểm thích hợp để những người mới vào nghề làm hòm nuôi, gây giống ong; đối với những người đang nuôi, đây là mùa ong tách đàn. Người dân thường tìm những con “ong soi” bắt đưa vào hòm ong để “ong soi” đưa cả đàn về tổ.

Dọc tuyến đường vào bản Phổng, xã Nậm Lạnh, chúng tôi bắt gặp nhiều hòm gỗ bẫy ong rừng tự nhiên. Theo kinh nghiệm của ông Lò Văn Tích, bản Phổng, xã Nậm Lạnh, nuôi ong rừng không phải đầu tư nhiều, thùng ong chủ yếu được làm từ gỗ mít, gỗ sung. Để tránh nắng nóng trong mùa hè và gió lùa vào mùa đông, dùng tấm lợp, bao bạt đặt phía trên hộp nuôi ong để đảm bảo nơi ở không bị ảnh hưởng. Khi thu hoạch mở một đầu, lấy cả mật và sáp rồi vệ sinh sạch sẽ thùng, đàn ong sẽ tiếp tục làm lại sáp mới.

Nuôi ong rừng lấy mật trên địa bàn xã Nậm Lạnh đang phát triển. Tuy nhiên, để trở thành một nghề ổn định và bền vững, cần có sự hỗ trợ của chính quyền, tạo điều kiện cho bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi ong tiêu biểu ở trong và ngoài huyện. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tách đàn, phòng chống dịch bệnh, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và đầu ra cho sản phẩm.

Mạnh Hùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới