Những thành tựu kinh tế nông nghiệp nổi bật

Sau giải phóng năm 1952, hậu quả của chiến tranh, tàn dư chế độ cai trị của thực dân, phong kiến và tay sai để lại hết sức nặng nề đối với tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc. 70 năm qua, đặc biệt là sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đoàn kết vượt lên mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế.

Khởi hành đoàn xe đưa nông sản Sơn La vào hệ thống phân phối và xuất khẩu năm 2022.

Trong đó, nổi bật là lĩnh vực nông nghiệp từ sản xuất phân tán, lạc hậu, Sơn La đã từng bước trở thành địa phương có tốc độ phát triển khá trong khu vực và trở thành “hiện tượng” đột phá trong phát triển nông nghiệp cảu cả nước.

Với nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, kinh tế nông nghiệp của tỉnh được phát triển theo quan điểm sản xuất hàng hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển nông nghiệp nhanh, bền vững, phát triển nông nghiệp xanh, gắn với công nghiệp chế biến. Toàn tỉnh hiện có 99.751 ha cây hàng năm, 112.062 ha cây lâu năm, 40.550 ha cây công nghiệp hàng năm, 29.360 ha cây công nghiệp lâu năm, tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 82.805 ha; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 22.923 ha, sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy đạt 4.382 tấn/năm.

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản và áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao. Nhận thức của các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức, cá nhân về phát triển nông nghiệp bền vững được nâng lên. Trong đó coi trọng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến.

Phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu; đến nay, tỉnh ta đã hình thành các vùng sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung theo hướng đầu tư chiều sâu nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển quy mô diện tích theo quy hoạch, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa sản xuất, bằng việc đưa máy móc vào làm đất, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm.

Gian hàng trưng bày trái cây Sơn La tại Hội nghị tiêu thụ, xuất khẩu xoài, nông sản Sơn La năm 2022.

Cùng với đó, tỉnh Sơn La đã tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, sử dụng một số giống cây trồng nuôi cấy mô, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường và tăng thu nhập cho nông dân. Tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng chuyên canh, các vùng nguyên liệu lớn, tạo thuận lợi cho đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; mở rộng vững chắc thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư trồng, chế biến, bảo quan, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản.

Toàn tỉnh có hơn 3.865 ha cây trồng được cấp mã số vùng trồng; duy trì và phát triển 242 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; cấp 241 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.865 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; có 5.041 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương; 14.148 hộ gia đình trồng cà phê áp dụng 4C, UTZ, với tổng diện tích 16.543 ha. Có 740 HTX nông nghiệp, nông thôn; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; có 83 sản phẩm OCOP, gồm 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao, 30 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 52 sản phẩm OCOP đạt 3 sao; có 37 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm được bảo hộ tại châu Âu và Thái Lan. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng hệ thống cửa hàng kinh doanh rau, quả an toàn có xác nhận, bảo đảm trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Năm 2021, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt trên 150 triệu USD, tăng 45,2% so với năm 2020.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng về chủng loại, hình thức chăn nuôi. Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khâu lai tạo giống, chăm sóc và phòng ngừa dịch bệnh. Việc đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại tập trung gắn với vệ tinh là các hộ gia đình đã góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng cho ngành chăn nuôi. Các hình thức chăn nuôi trang trại tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, sản xuất hàng hóa đang từng bước được quan tâm triển khai thay thế phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ kém hiệu quả tại các địa phương trong tỉnh. Đến nay, đàn bò thịt toàn tỉnh có trên 376.500 con, đàn bò sữa gần 30.000 con, đàn trâu trên 116.800 con, đàn lợn hơn 614.300 con...

Nông dân huyện Mường La đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa.

Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, với các sản phẩm chất lượng, uy tín; gồm 35 cơ sở chế biến chè, 1 nhà máy mía đường, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 1 nhà máy sữa; 1 nhà máy sơ chế, chế biến chanh leo, 1 nhà máy chế biến cao su, 2 nhà máy chế biến rau, quả, 7 cơ sở chế biến cà phê nhân.

Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, tăng cường đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ quản lý tiến tiến, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, tự động hóa, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX, liên hiệp hợp tác xã, nhân rộng các mô hình nuôi trồng, chế biến thủy sản hiệu quả kinh tế cao. Phát triển chăn nuôi tập trung theo quy mô doanh nghiệp, HTX, trang trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị. Khuyến khích, hỗ trợ các hình thức liên kết hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến sâu, xây dựng quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu của tỉnh đạt 166 triệu USD, tăng 78% so với năm 2020, tốc độ tăng bình quân 12%/năm. Đến năm 2030 thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị đối với trên 50% các cơ sở chế biến nông sản hiện có; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 cơ sở chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu, phấn đấu xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm chế biến và xuất khẩu nông sản của vùng Tây Bắc.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới