Miền đất chuối ngọt, xoài thơm

SL - Nhắc đến Yên Châu, ai cũng biết đến thương hiệu “Xoài tròn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” tại 3 xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Viêng Lán.

HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bao trái xoài tượng da xanh.

Yên Châu đã xây dựng Đề án phát triển, bảo tồn giống xoài; phối hợp với các sở, ban, ngành chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nhân dân trồng theo hướng hữu cơ, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã về bao bì, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng điểm thu mua, sơ chế sau thu hoạch. Đến nay, toàn huyện có hơn 500 ha xoài tròn, trong đó có 260 ha cho thu hoạch; sản lượng trên 1.500 tấn/năm.

HTX Tâm Thịnh, xã Sặp Vạt có 10 thành viên trồng 20,6 ha xoài tròn ghép cành từ giống đầu dòng đã qua tuyển chọn, đều nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý, sản lượng 125 tấn/năm. Anh Lò Văn Đào, Giám đốc HTX, thông tin: Sản phẩm xoài của HTX được tiêu thụ tại Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang... Các thành viên HTX luôn tuân thủ chăm sóc, áp dụng quy trình VietGAP. Vụ xoài năm 2022, xoài tròn của HTX bán giá trung bình từ 20-50 nghìn đồng/kg.

Cùng với giống xoài tròn địa phương, Yên Châu là huyện có diện tích lớn thứ 2 trong tỉnh trồng xoài tượng da xanh, với hơn 2.830 ha; trong đó có 2.350 ha cho thu hoạch, 325 ha có mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 148 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Năm 2022, có gần 1.390 tấn xoài tượng da xanh được xuất khẩu và trên 8.680 tấn tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Ông Sa Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Nang, chia sẻ: Xã có 650 ha xoài tượng da xanh, sản lượng đạt 3.450 tấn/năm. Từ trồng xoài tượng da xanh đã giúp nhiều hộ dân trong xã vươn lên giàu có; năm 2022, xoài được giá, thu nhập bình quân hơn 120 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, với 2.476 ha nhãn, sản lượng hơn 21.000 tấn/năm. Những năm gần đây, người dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật rải vụ để tránh áp lực trong tiêu thụ, điển hình là ghép cành 200 ha nhãn chín muộn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vừa qua, sản phẩm nhãn của huyện Yên Châu được đưa vào suất ăn trong các chuyến bay của một số hãng hàng không, khẳng định chất lượng sản phẩm nhãn Yên Châu, góp phần nâng tầm thương hiệu và giá trị các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.

Ngoài ra, với trên 800 ha chuối, sản lượng 8.775 tấn/năm, Yên Châu là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất của tỉnh Sơn La. Năm 2018, huyện đã phối hợp triển khai Dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Chuối Yên Châu” cho 3 sản phẩm chính là: Chuối quả tươi, chuối sấy dẻo và chuối sấy giòn; khu vực địa lý được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận gồm 91 bản của 10 xã trong huyện; sản phẩm chuối Yên Châu được đưa vào các cửa hàng nông sản sạch, như: An Fruit, Hello Green; các siêu thị ở Sơn La, Hà Nội, Đà Nẵng.

Với đa dạng các loại cây ăn quả có tiếng, huyện Yên Châu đã chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, gắn với thế mạnh của địa phương Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 và 4 sao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu “Yên Châu” đã khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã mạnh dạn ghép cải tạo lại vườn nhãn, vườn xoài, mận hậu bằng giống mới, đem lại giá trị kinh tế cao; qua đó, nhiều hộ dân khác đã học theo, tạo thành phong trào thi đua chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong toàn huyện. Đến nay, huyện có 11.055 ha cây ăn quả các loại, trong đó trên 8.710 ha cho thu hoạch, sản lượng trên 70.000 tấn/năm, hình thành các vùng chuyên canh, từng bước tạo thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển cây ăn quả gắn với tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

Mục tiêu đến năm 2025, Yên Châu phấn đấu có 12.500 ha cây ăn quả, trong đó 20% diện tích ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn Viet GAP; sản lượng quả các loại đạt 500.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 55 triệu đồng/ha. Huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức cho các xã, thị trấn học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh để đề xuất giải pháp thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích sang trồng cây ăn quả; phát triển cây ăn quả theo quy mô liền vùng, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả cho người dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới