Mai Sơn tập trung phát triển cây trồng chủ lực

Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với chế biến, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, huyện Mai Sơn đang tập trung phát triển các cây trồng chủ lực, như: Cà phê, mía, cây ăn quả, rau màu, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, tạo nguồn thu bền vững cho nông dân.

Gia đình ông Quàng Văn Nghĩa, bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban có 3,1 ha cà phê đã cho thu hoạch. Trước đây, dù bỏ nhiều công sức, chi phí đầu tư chăm sóc, nhưng do cây cà phê già cỗi, nên năng suất thấp, đạt 10-15 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, thu lãi rất thấp. Năm 2022, được sự hỗ trợ của huyện, ông Nghĩa và 14 hộ trồng cà phê trong bản liên kết sản xuất, thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ và nông nghiệp bản Phiêng Quài. HTX áp dụng quy trình chăm sóc cà phê an toàn, các cây cà phê già cỗi được cắt bỏ; sử dụng phân bón hữu cơ và được Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh Sơn La cam kết thu mua sản phẩm.

Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La trong ca sản xuất.

Ông Nghĩa cho biết: Sau 3 năm cải tạo, vườn cà phê của các thành viên HTX và bà con trong bản đã thay đổi hoàn toàn. Từ vườn cà phê già cỗi, giờ đây phát triển xanh tốt, những cành dài trĩu quả, năng suất đạt hơn 30 tấn/ha; giá bán trung bình 13.000 đồng/kg. Năm 2022, với 3,1 ha cà phê, gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Còn HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng, xã Nà Bó, các thành viên HTX vô cùng phấn khởi khi ngay đầu năm mới 2023, các chuyến thanh long liên tục được xuất ngoại. Thương hiệu thanh long ruột đỏ của HTX ghi dấu ấn tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc HTX, chia sẻ: Xác định liên kết sản xuất để cùng nhau phát triển, ngay khi thành lập, HTX định rõ hướng đi cụ thể trong việc trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, HTX phát triển lên 200 thành viên. Ngoài ra, còn liên kết với hơn 100 hộ dân tại các huyện Thuận Châu, Mộc Châu và Yên Châu trồng hơn 100 ha thanh long. Trong đó, 5 ha tại xã Nà Bó được cấp chứng nhận hữu cơ. Thu nhập đạt 400-500 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Cò Nòi chăm bón cây thanh long.

Hiên nay, huyện Mai Sơn có trên 49.000 ha cây trồng các loại; trong đó, cây trồng chủ lực 8.500 ha cà phê; 5.600 ha mía; trên 10.800 ha cây ăn quả các loại... Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đang khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, HTX, thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. Đã có trên 980 ha cây trồng áp dụng kỹ thuật tưới tự động, tưới tiết kiệm; gần 1.100 ha cây trồng canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, RA... góp phần kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Dâu tây là một trong những cây trồng chủ lực đem lại thu nhập cao cho người dân Mai Sơn

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mai Sơn, thông tin: Thực hiện Nghị quyết 04-NQ/HU ngày 25/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trong đó, mục tiêu xây dựng và hình thành 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch, gồm: Vùng xoài, na, nhãn, cây ăn quả có múi, vùng cà phê và vùng sản xuất rau an toàn. Phòng đã phối hợp với các phòng, ban, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất với người dân, tuyên truyền các nội dung liên quan đến việc xây dựng, hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, thu hái, bảo quản, sơ chế và triển khai thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Năm 2022, UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao tại 18 bản thuộc 3 xã Chiềng Dong, Chiềng Dong, Chiềng Ban với 1.560 hộ tham gia, diện tích 1.039 ha; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 126,6 triệu đồng/ha/năm. Toàn huyện đang duy trì, phát triển trên 8.600 ha cây trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ gắn với các nhà máy chế biến nông sản. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía cho gần 4.000 hộ dân; Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La, Công ty cổ phần tập đoàn Minh Tiến - MTG tham gia liên kết, sản xuất, tiêu thụ cà phê với 2.030 hộ dân...

Tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực, huyện Mai Sơn thực hiện các giải pháp quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thu mua, chế biến nông sản trên địa bàn. Làm “cầu nối” để doanh nghiệp gặp gỡ nông dân, thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới