Dẻo thơm khoai sọ Thuận Châu

Những ngày tháng 10, nhân dân huyện Thuận Châu bước vào vụ thu hoạch khoai sọ. Trước đây, cây khoai sọ chủ yếu phục vụ nhu cầu của các gia đình, nhưng nay đã trở thành sản phẩm nông sản đặc trưng tiêu biểu của huyện, giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Giọng nữ

Vụ mùa năm nay, nông dân trong huyện Thuận Châu trồng hơn 43 ha khoai sọ, tập trung ở các xã Chiềng Ly, Co Mạ, Nậm Lầu, Muổi Nọi. Diện tích năm nay giảm một nửa so với năm trước, do vào thời điểm xuống giống, nắng nóng kéo dài nên một số diện tích khoai không phát triển được. 

Nhân dân xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, thu hoạch khoai sọ. 

Theo chia sẻ của người dân, khoai sọ là loại cây trồng có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh, phù hợp với đất đồi dốc thoai thoải. Khoai được trồng từ tháng 3 dương lịch, đến giữa tháng 9 khi lá khoai đã héo vàng là được thu hoạch. Củ khoai nặng từ 600-700 gam, cũng có củ nặng hơn 1kg. Năm nay, năng suất khoai đạt từ 5-7 tấn/ha; giá bán đầu vụ cao hơn so với mọi năm. 

Với đặc chưng thơm, dẻo nên khoai sọ Thuận Châu được nhiều người biết đến. Ngoài sử dụng để chế biến các món ăn, vỏ khoai sọ được tận dụng để làm rượu khoai sọ; lá và thân khoai làm thức ăn cho ốc nhồi. Nhiều hàng quán nhập khoai sọ về chế biến, cắt khúc theo trọng lượng 0,5-1kg và hút chân không để gửi bán tại các siêu thị, cửa hàng ngoài tỉnh.

Khoai sọ sau thu hoạch. 

Dọc từ xã Muổi Nọi lên thị trấn Thuận Châu, các sạp hàng ven quốc lộ 6 được bày bán nhiều khoai sọ. Chọn mua cho gia đình những củ khoai tươi ngon, chị Bùi Thị Thoa, phường Chiềng Cơi, Thành phố, cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa là tôi lại mua khoai sọ Thuận Châu về nấu các món ăn cho gia đình, như canh khoai sọ ninh xương, khoai chiên cho trẻ. Tránh khoai bị nhớt, sau khi gọt vỏ, tôi ngâm khoai vào nước muối khoảng 10 phút. Khoai sọ nấu rất nhanh chín, chỉ đun khoảng 10 phút, nếu nấu quá lâu khoai dễ bị nát, ăn không ngon. Khoai dẻo thơm nên tôi còn mua để gửi biếu bạn bè ở thành phố Hà Nội.

Cửa hàng trên địa bàn thị trấn Thuận Châu thu mua và bán khoai sọ.

Hiện nay, khoai sọ loại 1 bán với giá 45.000-50.000 đồng/kg; loại 2 từ 30.000-35.000 đồng/kg. Với khoai đã được làm sạch, hút chân không, giá bán là 60.000 đồng/kg. Để bảo quản khoai tươi ngon và sử dụng lâu ngày, sau khi mua về cần rửa sạch, cất vào ngăn đá tủ lạnh. Bằng cách này, có thể để khoai sọ đến vài ba tháng mà vẫn giữ được hương vị thơm ngon.

Khoai sọ sau hút chân không.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Nâng cao chất lượng khoai sọ, phòng đã hướng dẫn các HTX, tổ hợp tác và nông dân sản xuất khoai sọ theo chuỗi. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con cách trồng, thu hoạch và bảo quản. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh; giới thiệu trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, khoai sọ Thuận Châu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể; Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa vào danh sách các loại nguồn gen quý của Việt Nam cần được giữ gìn và phát triển.

Khách hàng chọn mua khoai sọ. 

Cây khoai sọ Thuận Châu cho giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, phát triển cây khoai sọ trên địa bàn huyện còn gặp một số khó khăn, đó là vùng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa tập trung; nhân dân hạn chế áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất đạt thấp; thị trường tiêu thụ không ổn định, các hộ dân chủ yếu là bán lẻ cho các hàng quán hoặc mang ra chợ bán…

Giúp nhân dân sản xuất hiệu quả và giữ vững thương hiệu sản phẩm khoai sọ, huyện Thuận Châu tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách trồng, thu hoạch và bảo quản khoai; hỗ trợ nhân dân xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất nâng cao chất lượng cũng như sức cạnh tranh trên thị trường; từng bước đưa cây khoai sọ trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. 

Hiền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới