Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Tập trung nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên các công trình trọng điểm, tạo động lực phát triển, là những kết quả sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU ngày 14/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Sông Mã về lãnh đạo thực hiện Đề án “Phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH huyện Sông Mã giai đoạn 2021 - 2025”.

Giọng nữ
Trung tâm thị trấn Sông Mã.
Ảnh: Hoàng Tuấn (CTV)

Trên tuyến đường bê tông dài 1,2 km từ trung tâm xã Mường Hung về bản Ít Om, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, phấn khởi của hàng trăm hộ dân và học sinh nơi đây khi tuyến đường được bê tông kiên cố. Ông Tòng Văn Muôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ít Om, chia sẻ: Bản có 93 hộ, gần 600 nhân khẩu. Trước đây, vào mùa thu hoạch nông sản, bà con muốn vận chuyển đi bán rất khó khăn, bị thương lái ép giá. Khổ nhất là các cháu học sinh đến trường phải có người lớn đưa đi. Được đầu tư đường bê tông kiên cố, bà con phấn khởi lắm, Ban quản lý bản đã vận động bà con thường xuyên quét dọn, quản lý, sử dụng công trình lâu dài.

Nghị quyết số 08 về phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025 đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, đảm bảo kết nối trung tâm của huyện tới trung tâm các xã; thu hút đầu tư dự án Bến xe khách Sông Mã. Đầu tư hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hạ tầng điện, nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và đời sống. Phát triển hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình... Phấn đấu 96,2% số trường đạt chuẩn quốc gia, 94,7% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, tín dụng, ngân hàng; trong đó, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh lập quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng khu thương mại cửa khẩu Chiềng Khương; hợp tác kinh tế với huyện Mường Ét và các địa phương của nước bạn Lào qua Cửa khẩu Chiềng Khương.

Đồng chí Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; trong đó hoàn chỉnh các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội; gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực; quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của huyện. Công khai quy hoạch phát triển KT-XH; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng tại cộng đồng dân cư; chung sức làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi và tham gia giám sát sử dụng nguồn vốn, giải phóng mặt bằng cho thực hiện các dự án. Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện tăng cường giám sát, phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn, ban giám sát cộng đồng trong thi công xây dựng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nghiệm thu công trình bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Từ năm 2021 đến nay, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng của tỉnh và nguồn vốn hỗ trợ các xã biên giới để đầu tư 453 dự án, với tổng mức đầu tư trên 1.310 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 1.272 triệu đồng, còn lại là vốn huy động từ nhân dân và các nhà tài trợ. Đến nay, đã đầu tư 63 dự án hạ tầng giao thông; 25 dự án hạ tầng thủy lợi, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; 16 dự án hạ tầng điện, nước sinh hoạt phục vụ sản xuất và đời sống; 349 dự án hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình, chỉnh trang đô thị, quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư. Hiện nay, 19/19 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 82,1% số đường huyện và 54,5% số đường xã được cứng hóa. 98,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 79,9% chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý, 96% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đã làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn của huyện vùng biên giới Sông Mã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới