Cây chè trên đồng đất Vân Hồ

Gắn bó bao đời nay với đồng đất Vân Hồ, cây chè đã và đang là cây trồng giúp các hộ dân nơi đây từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu. Tạo động lực cho nghề chè phát triển, huyện Vân Hồ đã xây dựng, phát triển thương hiệu chè của địa phương; nâng cao giá trị các sản phẩm chè, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Công nhân Công ty chè Nhật Bản, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ đốn tỉa chè.

Hiện nay, huyện Vân Hồ có trên 1.300 ha chè, chủ yếu là giống chè Shan Tuyết, tập trung ở các xã Vân Hồ, Chiềng Khoa, Tô Múa và Chiềng Yên; năng suất chè búp tươi đạt 10 tấn/ha. Trong đó, xã Tô Múa có 10 ha cây chè cổ thụ ước tính từ 100 năm tuổi trở lên. Toàn huyện có 5 cơ sở chế biến, thu mua chè búp tươi, với giá từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Từ 2019 đến nay, các cơ sở sản xuất chè tại địa phương đã tham gia nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chè mới, có 3 sản phẩm trà Matcha, trà Sencha và Hồng trà đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mong muốn tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, từ năm 2020 đến nay, anh Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần chè Chiềng Đi cùng tập thể Ban Giám đốc và đội ngũ kĩ sư đã nghiên cứu, cho ra mắt hai sản phẩm chè mới, gồm: Trà Matcha và trà Sencha. Qua các đợt chấm điểm, hai sản phẩm này đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay, Công ty trưng bày sản phẩm tại nhiều địa điểm bán hàng trong tỉnh, ngoài tỉnh và chào hàng tới các đối tác, bạn hàng tại thị trường các nước: Úc, Nhật Bản và một số quốc gia khu vực Nam Á khác.

Anh Nguyễn Xuân Trường, chia sẻ: Sau khi sản phẩm chè của Công ty được công nhận sản phẩm OCOP, giá trị sản phẩm chè được nâng lên đáng kể. Giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, bạn hàng trên toàn quốc, năm 2022, Công ty kết nối với 5 đối tác ở các tỉnh phía Nam mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Công ty đang nghiên cứu chuyển đổi sang trồng chè hữu cơ, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín khách hàng trong và nước ngoài.

Thu hoạch chè búp tươi tại Công ty cổ phần chè Chiềng Đi, huyện Vân Hồ.

Hiện nay, xã Tô Múa có gần 500 ha trồng chè giống Shan Tuyết, tập trung ở các bản Liên Hưng, bản Mến, bản Pàn, với trên 900 hộ trồng chè, chiếm khoảng 80% số hộ dân trong xã; năng suất đạt 10 tấn chè búp tươi/ha, sản lượng đạt trên 5.000 tấn/năm. Nâng cao chất lượng các sản phẩm chè địa phương, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các đợt tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người trồng chè. Vận động nhân dân hái chè theo phương pháp thủ công, áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để chè búp tươi có chất lượng tốt nhất. 

Ông Hà Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã Tô Múa, cho biết: Cây chè là một trong những cây trồng chủ lực ở xã, nhưng chất lượng chè chưa đồng đều. Xã đã khảo sát, thống kê vùng trồng chè của nhân dân, đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đối với các diện tích chưa đạt. Ngoài ra, tích cực khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng chè, đảm bảo đầu ra ổn định cho nhân dân. Việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm OCOP từ chè đã và đang được xã triển khai, tạo thương hiệu sản phẩm chè của địa phương.

Nhân dân bản Liên Hưng, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ thu hoạch chè búp tươi.

Tiếp tục xây dựng thương hiệu chè Vân Hồ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đang tham mưu UBND huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện có chính sách hỗ trợ kinh phí cho việc nghiên cứu các sản phẩm mới từ cây chè; khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng chè địa phương, chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến trong và ngoài huyện. Đồng thời, gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm chè với phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn,  quảng bá tới du khách các sản phẩm chè của địa phương, hướng đến phát triển sản xuất chè bền vững, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp nhân dân vươn lên làm giàu từ nghề chè.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới