Bước chuyển nông nghiệp ở huyện vùng biên

Không đơn thuần là trồng, chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, những năm gần đây, nông dân huyện Sông Mã đã nâng cao giá trị thu nhập từ thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình. Hoạt động sản xuất gắn với nhu cầu thị trường đã gia tăng lợi nhuận cho nông dân, góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Nông dân xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã chăm sóc cây ăn quả.

Ông Nguyễn Chí Thành, quyền Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, chất lượng, khai thác tiềm năng lợi thế cây trồng, vật nuôi; chuyển biến tích cực theo hướng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương. Xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản, gắn với đẩy mạnh việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, năm 2023, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt trên 38.300 ha; trong đó, diện tích cây lương thực có hạt trên 17.700 ha; hơn 10.700 ha cây ăn quả, sản lượng trên 98.400 tấn/năm; đã tiêu thụ trong nước trên 65.500 tấn, chiếm 66,55%, còn lại là xuất khẩu... Huyện có 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha, sản lượng 4.817 tấn; 47 HTX và một công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP; 50 chuỗi liên kết, với trên 900 ha nhãn, sản lượng quả ước đạt hơn 9.778 tấn. Duy trì 2 làng nghề; hơn 2.990 lò sấy long nhãn. Vụ nhãn 2023, các lò sấy chế biến 25.000 tấn quả tươi, giá trị hàng hóa hơn 346 tỷ đồng.

HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, có 8 thành viên. Nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đất sản xuất, HTX đầu tư hệ thống tưới nước theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX có 5 ha nhãn T6 và 10 ha nhãn miền. Vụ nhãn năm 2023, thu 75 tấn nhãn chín sớm, giá bán 30 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ thu 200 tấn, giá bán 10 nghìn đồng/kg. Anh Bùi Văn Hậu, Giám đốc HTX, thông tin: Trước đây, HTX chú trọng việc nâng cao năng suất. Tuy nhiên, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường, HTX tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ nhãn vừa qua, HTX thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài bán hàng truyền thống, HTX còn quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản qua các trang mạng xã hội, nên sản phẩm tiêu thụ nhanh.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều HTX, hộ gia đình đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung. Toàn huyện có trên 164.420 con gia súc, đại gia súc trên 2 tháng tuổi và gần 97.000 con gia cầm... Chị Lò Thị Nhung, bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, cho biết: Đến nay, gia đình có 18 con bò. Gia đình sẽ tiếp tục đầu tư mô hình nuôi giun quế và đào ao thả cá. Tôi mong các cấp, các ngành tiếp tục chuyển giao kỹ thuật sản xuất; liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: Huyện tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hữu cơ, chuỗi giá trị liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn; tập trung cải tạo, thâm canh diện tích cây ăn quả hiện có, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nhân dân...

Năm 2024, Sông Mã phấn đấu diện tích cây lương thực đạt 17.800 ha, sản lượng trên 73.890 tấn; trồng mới trên 90 ha cây ăn quả các loại; phát triển đàn gia súc lên 68.000 con. Thành lập mới 2 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Giữ vững xã Chiềng Sơ, Chiềng Khương, Mường Lầm, Mường Sai đạt chuẩn NTM; phấn đấu xã Mường Hung đạt chuẩn nông thôn mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới