Sốp Cộp vào năm học mới

Những ngày này, các trường học trên địa bàn huyện biên giới Sốp Cộp rộn ràng không khí chuẩn bị khai giảng năm học mới. Với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy, cô giáo không quản ngại khó khăn về các bản vận động phụ huynh cho con em đến lớp.

Giọng nữ
Cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, giáo viên Điểm trường Huổi Men động viên trẻ ra lớp.

Cùng thầy giáo Tòng Văn Luyến, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp đến điểm trường Huổi Men, thuộc Trường Mầm non hoa Phong Lan, xã Mường Lạn. Điểm trường Huổi Men cách trung tâm xã 6 km. Con đường về điểm trường chủ yếu là đường đất, gồ ghề, nhiều điểm bị sạt lở. Qua câu chuyện với anh Luyến, chúng tôi được biết, không chỉ ở các điểm trường của Mường Lạn mà ở nhiều điểm trường các xã khác xa trung tâm, đường đi lại rất vất vả.

Anh Luyến, nói: Con đường đất này được bà con tu sửa hằng năm để chở nông sản ra bán ngoài xã. Thời tiết nắng ráo còn thuận lợi, chứ trời mưa thì đi lại rất khó khăn, vất vả lắm. Càng lên cao, nhiều đoạn chúng tôi phải xuống đẩy xe, đi bộ, bởi đường chênh vênh nguy hiểm một bên là núi, một bên là vực sâu.

Điểm trường Huổi Men nằm giữa ngọn đồi cao, xung quanh là màu xanh của ngô và hơn 40 nóc nhà của đồng bào dân tộc Mông. Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và giáo viên, 3 năm trở lại đây tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%. Trong lớp học hơn 50 m2, cô giáo Vì Thị Hỏa đang dọn dẹp và trang trí lớp học chuẩn bị khai giảng năm học mới. Cô Hỏa, cho hay: Điểm trường có 1 lớp học, với 28 trẻ từ 2-5 tuổi. Do điểm trường xa, giao thông đi lại khó khăn nên giáo viên phải ở lại trường đến cuối tuần mới về nhà. 100% trẻ ở đây chưa biết tiếng phổ thông nên phải học tiếng Mông để vừa truyền đạt kiến thức vừa tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Cán bộ, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, dọn khuôn viên trường học.

Thăm, động viên một số hộ dân tại bản Huổi Men trước ngày khai giảng. Trong căn nhà đơn sơ của gia đình anh Vàng A Tủa, giáo viên điểm trường đã trao đổi về thời gian khai giảng năm học mới của các con. Anh Tủa, tâm sự: Gia đình mình có một cháu 5 tuổi và một cháu gần 3 tuổi. Thấy các cô giáo đến tận nhà tuyên truyền, tôi mới hiểu việc cho con đi học đúng độ tuổi rất cần thiết nên vợ chồng tôi đã quyết định cho con đến trường.

Chúng tôi tiếp tục đến Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Nậm Lạnh. Trường có 2 dãy nhà bán trú 3 tầng; mỗi nhà có 12 phòng, trong đó có 1 phòng ăn. Cô giáo Đoàn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng, phấn khởi nói: Năm học 2024-2025, trường có 904 học sinh. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trường được đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng nhà ăn, nhà bán trú cho 214 học sinh. Cuối tháng 8, trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh dọn vệ sinh khuôn viên, sân trường, lớp học sạch sẽ; kê bàn ghế ngăn nắp, gọn gàng; phối hợp với chính quyền địa phương vận động học sinh ra lớp đảm bảo sĩ số học sinh đến trường đạt cao nhất.

Là huyện biên giới, với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị dạy học, bàn ghế, máy tính... phục vụ giảng dạy và học tập. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới 86 phòng học, 25 phòng công vụ, 40 phòng ở bán trú và 2 bếp nấu ăn bán trú cho học sinh.

Ngoài ra, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ, vận động phụ huynh học sinh đóng góp trên 10 tỷ đồng xây dựng nhà lớp học ở các điểm trường lẻ tại các bản đặc biệt khó khăn, phòng ở, bếp ăn bán trú cho học sinh và những công trình phụ trợ khác. Hiện nay, huyện có 712 phòng học, trong đó 591 phòng học kiên cố, 112 phòng bán kiên cố, 9 phòng học tạm, 158 phòng công vụ giáo viên, 237 phòng ở cho học sinh bán trú.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sốp Cộp, cho biết: Năm học 2024-2025, huyện có 22 trường học từ bậc mầm non đến THCS, với hơn 18.000 học sinh. Năm học này ngành quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm học. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục và thực hiện chuyển đổi số trong GD&ĐT. Tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.

Năm học mới đã bắt đầu, với sự nhiệt huyết của thầy, cô giáo vùng biên giới Sốp Cộp sẽ giúp các em học sinh đến lớp được chăm lo chu đáo trong từng bữa ăn, giấc ngủ, học tập tốt hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Bài, ảnh: Hiền Thư
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới