Sốp Cộp nâng cao chất lượng giáo dục

Với quyết tâm đưa công tác giáo dục - đào tạo của huyện phát triển khá so với các địa phương khác trong tỉnh, huyện Sốp Cộp đã tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của huyện từng bước được nâng lên.

Giờ học của cô và trò điểm trường mầm non bản Huổi My, xã Sam Kha.

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các phòng, ngành liên quan, các xã nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học; tập trung chỉ đạo và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học. Đồng thời, ban hành kế hoạch tập trung giải pháp để “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Trong đó, kết hợp công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nhằm tăng cường bồi dưỡng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Với đặc thù là huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; các trường tổ chức khảo sát, bàn giao chất lượng phù hợp với yêu cầu, chuẩn kiến thức - kỹ năng của cấp học dưới, phương pháp phù hợp với tâm lý của học sinh các lớp đầu cấp. Căn cứ kết quả khảo sát, tổ chức đánh giá khách quan, đề ra giải pháp thực hiện bổ sung kiến thức, kỹ năng cho học sinh các lớp đầu cấp, đảm bảo cho học sinh có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết tiếp tục tiếp thu có chất lượng tốt nội dung, chương trình của cấp học. Các trường học thực hiện nghiêm, thực chất công tác bàn giao, nghiệm thu chất lượng giữa các khối lớp trong cấp học. Tổ chức khảo sát chất lượng cuối năm học đối với lớp 9 để so sánh với chất lượng giáo dục năm học 3 môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Đối với giáo dục mũi nhọn, tổ chức kỳ thi học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện và ôn luyện tập trung tham gia dự thi cấp tỉnh cho học sinh THCS; động viên các trường tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học.

Điểm trường mầm non bản Phá Thóng, xã Mường Và, được xây dựng kiên cố.

Chỉ đạo các trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Việt; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số. Duy trì và phát triển các mô hình học tập có hiệu quả tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, như: Tổ chức cho học sinh xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học ngoài giờ chính khóa; xây dựng góc học tập thân thiện; tổ chức tự học ban đêm có hướng dẫn của giáo viên.

Việc duy trì sĩ số, huy động học sinh đến lớp và thực hiện công tác bán trú được huyện đặc biệt quan tâm. Tỉ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đạt từ 98% trở lên; tuyển mới 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,71%; hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,75%. Duy trì sĩ số học sinh ở bậc nhà trẻ và mẫu giáo đạt 100%, tiểu học đạt 99,68%, THCS đạt 99,02%. Toàn huyện có 4.030 học sinh tiểu học, trung học cơ sở, THPT được xét duyệt hưởng các chế độ chính sách bán trú. Các nhà trường đã thực hiện tốt việc tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú. Đồng thời, chi trả các chế độ chính sách cho giáo viên, nhân viên, học sinh đảm bảo, kịp thời.

Với nỗ lực vượt bậc, công tác giáo dục đào tạo có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, toàn huyện có 22 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, 1 nhóm trẻ tư thục cơ bản, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư hơn tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị trường học. Chất lượng giáo dục đại trà ở các cơ sở giáo dục trực thuộc UBND huyện được cải thiện, nhất là các khu trung tâm; các vùng khó khăn cũng đã đạt được những kết quả bước đầu, chất lượng năm sau cao hơn năm trước, cơ bản đáp ứng yêu cầu cung cấp kiến thức cho học sinh để tiếp tục học lên cấp học trên.

Giờ học của thầy trò điểm trường bản Sam Quảng, xã Mường Lèo.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng GD-ĐT huyện, thông tin: Đến nay, huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2 và duy trì công nhận cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2. Tỉ lệ thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi từ 15-18 đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc giáo dục nghề nghiệp đạt từ 95% trở lên; tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đạt từ 85% trở lên. Huyện có 371 giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 37 cấp tỉnh của cả 3 cấp học.

Những kết quả trên của huyện Sốp Cộp đã tạo tiền đề cho việc hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của địa phương.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới