Nghề rèn ở thị trấn vùng cao Bắc Yên

Huyện vùng cao Bắc Yên, có trên 46% là đồng bào dân tộc, chủ yếu là làm nông nghiệp. Nhu cầu về các dụng cụ như: dao, liềm, cuốc, xẻng… phục vụ trong sản xuất cũng như sinh hoạt còn rất cao nên nghề rèn của một số hộ dân ở nơi đây vẫn được gìn giữ, đảm bảo thu nhập trong cuộc sống.

Đến thị trấn Bắc Yên, theo dọc tuyến phố chính trên Quốc lộ 37, đâu đó, tiếng búa, tiếng rèn dũa, mài dao của nghề rèn đang hoạt động. Tại cơ sở rèn đồ gia dụng của anh Đỗ Văn Công, tiểu khu Phiêng Ban II, thị trấn Bắc Yên, chia sẻ: Tôi làm nghề rèn, phục vụ dụng cụ sản xuất cho bà con ở Bắc Yên đã hơn 30 năm. Hằng năm, khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10, bà con bước vào vụ thu hoạch, thì nhu cầu về công cụ lao động tăng cao, nên có khi tôi làm suốt ngày đêm không hết việc, thu nhập ngày thường khoảng 500-700 nghìn đồng, còn ngày nhiều việc thu hơn triệu.

Anh Đỗ Văn Công, tiểu khu Phiêng Ban II, thị trấn Bắc Yên đang làm nghề rèn truyền thống.

Trước đây, để rèn ra sản phẩm phải dùng búa tay, đến công đoạn mài cũng chủ yếu là thủ công nên để làm nghề rèn phải có 2 người trở lên, nhưng nay đã có búa máy, máy mài và thổi lò than cũng bằng máy, nên đỡ vật vả hơn, năng suất cao hơn.

Khách đến mua tại cửa hàng của gia đình anh Đỗ Văn Công.

Bí quyết của người thợ rèn để tạo ra công cụ vừa bền, vừa chắc nằm ở công đoạn cuối cùng nên tùy từng loại thép nung đủ nhiệt độ, không được non hoặc quá già lửa. Muốn làm được như vậy, phải chọn được loại thép tốt ngay từ ban đầu, như những loại thép của nhíp ô tô. Một ngày, nếu làm dao, cuốc, xẻng thông thường, thì xuất lò khoảng 10-15 sản phẩm. Còn những sản này đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo hơn, chỉ được 5 sản phẩm. Trung bình 1 năm làm ra khoảng 4.000 sản phẩm, thu nhập hơn 400 triệu đồng.

Ông Trấn Quốc Kháng, đang làm các đồ gia dụng.

Chúng tôi ghé thăm lò rèn của ông Trần Quốc Kháng, cũng ở tiểu khu Phiêng Ban II, thị trấn Bắc Yên. Đang mải miết rèn con dao, một tay giữ dao, một tay đập búa, thỉnh thoảng lại giơ lên, hạ xuống chiếc đe, nhìn ông Khánh làm rất điêu luyện. Ông Kháng chia sẻ: Tôi đem nghề rèn từ quê Vĩnh Phúc lên đây hơn 30 năm, ngày trước có nhiều người bản địa làm nghề rèn, nên sản phẩm tiêu thụ chậm, nhưng bây giờ ít lắm. Một số người dưới xuôi lên sinh sống tại vùng cao, còn đam mê giữ nghề rèn. Các sản phẩm làm ra có uy tín, được người dân tin tưởng mua sắm, nhất là vào những dịp lễ, tết, có ngày nhà tôi bán được vài triệu tiền hàng. 

Khách hàng đến mua đồ dùng tại cửa hàng của gia đình ông Trần Quốc Kháng.

Anh Mùa A Vàng, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên cùng vợ lựa chọn mua dao phát cỏ về làm nương. Anh Vàng nói: Tôi mang xuống nhờ ông Kháng sửa chữa lại một số dụng cụ bị mẻ và mua sắm thêm những dụng cụ mới về làm nông nghiệp. Hiện nay ở trên bản vùng cao còn rất ít người làm nghề rèn nên phải xuống thị trấn mua. Các mặt hàng nông cụ do các cửa hàng rèn ở thị trấn Bắc Yên rất nhiều loại, giá từ 50-80 nghìn đồng tùy theo kích cỡ, chất lượng lại rất tốt nên bà con mua nhiều. 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Yên nghề rèn không còn nhiều song một số cửa hàng vẫn giữ được nghề rèn, tạo ra những sản phẩm có uy tín về độ bền cao, đa dạng mẫu mã với giá thành hợp lý, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất của đồng bào vùng cao Bắc Yên.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới