Chuyển đổi số phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

Hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng đang diễn ra rất nhanh và mạnh trong các khâu, quá trình sản xuất, nuôi trồng đến truy xuất nguồn gốc và bán hàng, tạo thông tin minh bạch trong sản xuất nông nghiệp.

Những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận với khoa học công nghệ, các giải pháp Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp giúp cho doanh nghiệp, HTX, người dân có thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và tham gia các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm nông nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng.

Tại các xã, phường, thị trấn đã thành lập 1.459 tổ công nghệ số cộng đồng; triển khai hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT), như: Postmart.vn (Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam), sàn Voso.Vn (Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel) nhằm thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn. Trong năm 2022, đã hỗ trợ đưa lên các sàn TMĐT được 798 sản phẩm của Sơn La; số giao dịch trên sàn là 23.300 đơn hàng; số sản phẩm OCOP Sơn La được đưa lên các sàn TMĐT là 59 sản phẩm với doanh thu khoảng 3 tỷ 587 triệu đồng. Tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số cho các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được 33.702 hộ; khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử có lượng giao dịch lớn là 35.275 hộ; VNPT Sơn La triển khai thí điểm sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La, đến nay đã cập nhật thông tin của 109 sản phẩm và 72 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch…

Giải quyết bài toán chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung đầu tư đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng rộng đến tất cả các bản trên địa bàn tỉnh; tăng nhanh tỷ lệ người dùng Internet, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Từng bước thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của các cấp, các ngành và người dân trong việc tham gia chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành của ngành nông nghiệp, nông thôn dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); công tác giám sát, dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch trong nông nghiệp dựa trên phân tích, xử lý dữ liệu lớn theo thời gian thực, hỗ trợ ra quyết định chính xác, kịp thời, đúng quy định.

Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia các hoạt động trong nông nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp. Xây dựng, triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao công tác quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng; giống cây trồng… trên địa bàn tỉnh, từng bước hình thành "Nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nông thôn" tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất, tiêu dùng.

 

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới