Nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) được Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá thường niên tại 63 tỉnh, thành phố với 8 nội dung, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử. Việc cải thiện và nâng cao chỉ số này, trở thành nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, ngành trong tỉnh, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Giải quyết TTHC cho nhân dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh Sơn La đạt 40,86 điểm, đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2021. Tuy tăng bậc nhưng chỉ số PAPI của tỉnh xếp vào nhóm đạt điểm trung bình thấp của cả nước; các chỉ số nội dung có mức độ gia tăng điểm số không đều, kết quả chưa mang tính ổn định, bền vững. Trong 8 chỉ số nội dung có 1 chỉ số thuộc nhóm đạt điểm cao (thủ tục hành chính công); còn lại các chỉ số thuộc nhóm đạt điểm trung bình thấp và thấp. Trong đó, 2 nội dung giảm điểm nhiều là quản trị môi trường và cung ứng dịch vụ công.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Qua phân tích cho thấy, có nhiều nguyên nhân cản trở việc cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI của tỉnh. Trong đó, việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đến người dân chưa thường xuyên, mức độ chưa sâu. Việc lựa chọn mẫu điều tra chỉ số chưa phù hợp để đánh giá hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh; nhiều địa phương được chọn điều tra nằm trong diện điều kiện kinh tế khó khăn; bộ câu hỏi để điều tra, khảo sát dài và khó đối với những người có trình độ hạn chế... phần nào làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chỉ số PAPI của tỉnh. Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều hạn chế; vẫn còn hồ sơ TTHC chậm xử lý; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng internet còn thấp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, chưa giải đáp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khúc mắc của người dân kịp thời, đầy đủ...

Đối với chỉ số nội dung “Quản trị điện tử”, năm 2022, tỉnh chỉ đạt 2,32 điểm và thuộc nhóm điểm thấp. Nguyên nhân do phần lớn chưa có thói quen tìm hiểu thông tin trên Cổng thông tin điện tử (TTĐT) tỉnh và trang thông tin của các cơ quan Nhà nước cung cấp. Hoặc người dân muốn truy cập vào các trang trên nhưng không biết địa chỉ; có trường hợp chưa biết cách truy cập...

Ông Phạm Đại Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Cải thiện chỉ số thành phần “Quản trị điện tử”, Sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị rà soát, nâng cấp cổng TTĐT, cung cấp TTHC đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Cùng với đó, đào tạo nâng cao khả năng cho cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ quản trị mạng về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, quản trị cổng thông tin điện tử và an toàn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet đảm bảo chất lượng, giá cước phù hợp…

Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn đoàn viên thanh niên sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PAPI; khẩn trương xây dựng kế hoạch giữ vững các chỉ số thuộc nhóm điểm cao; khắc phục những chỉ số thuộc nhóm điểm thấp theo chức năng, nhiệm vụ; tăng cường tuyên truyền về các chỉ số nội dung liên quan đến người dân và chính quyền cơ sở.

Thành phố Sơn La là một trong 3 địa phương được chọn khảo sát chỉ số PAPI. Thành phố đã chủ động tuyên truyền tới người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chỉ số; tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm khảo sát thực hiện điều tra, phỏng vấn người dân. Đợt khảo sát đạt mục tiêu về số lượng mẫu điều tra, bảo đảm tiến độ, tính khách quan.

Thời gian qua, Thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Địa phương tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại với hộ dân thuộc diện GPMB; tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, quá trình triển khai, vẫn tồn tại một số vấn đề liên quan đến việc giải trình, hướng dẫn của cán bộ, công chức cho người dân về chủ trương, chính sách, dẫn đến việc nhìn nhận, đánh giá của người dân về chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” và “Trách nhiệm giải trình với người dân” chưa thật sự khách quan.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Năm 2023, Thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời cập nhật, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và khung giá đất hiện thời trên Cổng thông tin điện tử Thành phố, trụ sở UBND cấp xã; thông báo cụ thể kế hoạch đầu tư của các dự án trên địa bàn và kết quả xử lý các vụ việc qua giám sát ở khu dân cư để người dân biết, giám sát...

Với những giải pháp cụ thể, các ngành, địa phương đang từng bước khắc phục những tồn tại, cải thiện và nâng cao chỉ số PAPI, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Bài, ảnh: Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới