Thế giới tuần qua: Nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông

Bất ổn nghiêm trọng tại Bangladesh và căng thẳng leo thang ở Trung Đông là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần qua (5 - 11/8). Thực tế đó đang cho thấy tầm quan trọng của những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng từ phía cộng đồng quốc tế để tránh kịch bản các bên bị cuốn vào một vòng xoáy bất ổn của bạo lực.

Bất ổn nghiêm trọng tại Bangladesh, Liên hợp quốc kêu gọi các bên kiềm chế

Một cửa hàng may mặc bốc cháy ở thủ đô Dhaka của Bangladesh. (Ảnh: AFP/Getty Images) 

Ngày 6/8, Tổng thống Bangladesh Mohammed Shahabuddin đã giải tán Quốc hội nước này. Đây là một yêu cầu chủ chốt của các sinh viên đang dẫn đầu làn sóng biểu tình dẫn tới việc Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức và rời khỏi đất nước. Trước đó, những người biểu tình đã yêu cầu Quốc hội giải tán trước 15h ngày 6/8 (16h cùng ngày giờ Việt Nam), tuyên bố nếu yêu cầu này không được đáp ứng, họ sẽ đưa ra một "chương trình nghiêm ngặt”.

Trước tình hình bất ổn tại Bangladesh, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 5/8 đã kêu gọi các bên ở nước này bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của một quá trình chuyển tiếp hòa bình, trật tự và dân chủ.

Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Farhan Haq cho biết Tổng thư ký Guterres cũng lên án tình trạng bạo lực gây thương vong trong các cuộc biểu tình ở Bangladesh và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình ở nước này.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng bày tỏ tình đoàn kết với người dân Bangladesh, kêu gọi tôn trọng đầy đủ quyền con người và nhấn mạnh cần phải có một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập, khách quan và minh bạch về mọi hành vi bạo lực.

Biểu tình bạo lực nổ ra tại Bangladesh từ tháng trước, do các nhóm sinh viên dẫn đầu nhằm phản đối hạn ngạch việc làm nhà nước. Các cuộc biểu tình bạo lực đã khiến ít nhất 455 người thiệt mạng.

Đẩy mạnh nỗ lực ngoại giao giảm căng thẳng ở Trung Đông

Người dân di dời trong khung cảnh tan hoang ở Khan Younis, ngày 8/8/2024. (Ảnh: Xinhua) 

Trong tuần qua, nhiều nước đã đẩy mạnh nỗ lực giảm leo thang căng thẳng ở khu vực Trung Đông, nhất là sau khi thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Ismail Haniyeh thiệt mạng trong vụ ám sát tại Tehran trong bối cảnh xung đột tiếp diễn ở Dải Gaza.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Jordan, ông Ayman Safadi, ngày 6/8, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn toàn diện và lâu dài ở Gaza là chìa khóa để tránh cho tình hình khu vực xấu đi. Ông đề nghị “cộng đồng quốc tế nên có tiếng nói nhất quán hơn… và thành lập lực lượng chung,” đồng thời cho biết Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc và hợp tác với Jordan - được coi là một bên chủ chốt ở Trung Đông - để thúc đẩy nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán ngừng bắn.

Ngày 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết nước này đang nỗ lực ngăn chặn tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, đồng thời hối thúc Israel và Hamas "phá vỡ vòng luẩn quẩn" bạo lực thông qua lệnh ngừng bắn.

Dưới sự thúc đẩy của nước trung gian Qatar, Ai Cập và Mỹ, sáng 9/8, Israel đã nhất trí về việc sẽ cử một phái đoàn tiếp tục đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vào ngày 15/8 tới. Đây được coi là một diễn biến tích cực hiếm hoi giữa lúc các cuộc pháo kích không ngừng nghỉ của Israel vào vùng lãnh thổ này đã giết chết gần 40.000 người Palestine và làm dấy lên lo ngại về sự leo thang bất ổn trong khu vực.

Thế giới vừa trải qua tháng 7 nóng thứ 2 trong lịch sử

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN 

Ngày 7/8, cơ quan khí hậu châu Âu Copernicus công bố báo cáo cho thấy, nhiệt độ trung bình tháng 7 vừa qua được ghi nhận là tháng 7 nóng thứ hai trong lịch sử, thấp hơn một chút so với nhiệt độ trung bình của tháng 7/2023.

Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho biết El Nino - hiện tượng tự nhiên làm ấm Thái Bình Dương và thay đổi thời tiết trên toàn cầu - đã kết thúc, do đó nhiệt độ giảm nhẹ vào tháng 7. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết sự kết thúc của chuỗi kỷ lục về nhiệt độ này không làm thay đổi gì về mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Nhiệt độ trung bình toàn cầu vào tháng 7 năm nay vẫn cao hơn 1,48oC so với mức trung bình trước thời kỳ công nghiệp.

Cũng trong ngày 7/8, Cơ quan Khí tượng và Thủy văn Hàn Quốc đã công bố kết quả phân tích diễn biến thời tiết tháng 7 cho thấy nước này đã ghi nhận số ngày nắng nóng cao kỷ lục. Thống kê cho thấy nhiệt độ thấp nhất bình quân trên toàn Hàn Quốc trong tháng 7 là 23,3 độ C, cao hơn 2,1 độ C so với bình quân hằng năm và cũng là mức cao thứ 2 sau tháng 7/1994 với nền nhiệt 23,4 độ C. 

Kể từ giữa tháng 7, nhiệt độ tại một số khu vực của Nam Cực đã tăng khoảng 10 độ C so với bình thường ở một số khu vực của Nam Cực và thời tiết ấm bất thường có thể tiếp tục kéo dài trong nửa đầu tháng 8. Dữ liệu mới nhất cho thấy ở các khu vực miền Đông Nam Cực - nơi đang diễn ra những điều kiện bất thường nhất, với mức nhiệt thường trong khoảng từ âm 50 đến âm 60 độ C, hiện đã tăng lên gần âm 25 đến âm 30 độ C.

Cuộc đua bầu cử Mỹ tới hồi gay cấn

Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Getty) 

Ngày 8/8, cựu Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tiến hành 3 cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới. Những màn tranh luận trực tiếp giữa các ứng cử viên cho thấy cuộc đua bầu cử Mỹ đã bắt đầu tới màn gay cấn.

Hiện vẫn chưa rõ bà Harris có đồng ý tham gia cả 3 cuộc tranh luận mà ông D.Trump đã đề xuất hay không. Trước đó, đội ngũ vận động tranh cử của bà Harris đã bác bỏ đề xuất của ông D.Trump về việc tổ chức cuộc tranh luận trên kênh truyền hình Fox News vào ngày 4/9 tới. 

Hiện cả hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ này đều đồng ý tham gia cuộc tranh luận trên đài ABC vào ngày 10/9 tới. Về phía ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa D.Trump cũng đồng ý xuất hiện trên kênh tin tức Fox News vào ngày 4/9 và đài NBC vào ngày 25/9 tới.

Cũng trong tuyên bố đưa ra ngày 8/8, cựu Tổng thống D.Trump cho biết, liên danh tranh cử của ông là Thượng nghị sĩ bang Ohio - ông James David Vance sẽ tham gia một cuộc tranh luận cho vị trí Phó Tổng thống trên đài CBS.

Trước đó, liên danh tranh cử của bà Harris là Thống đốc bang Minnesota - ông Tim Walz cũng tuyên bố sẵn sàng tranh luận với ông Vance.

Theo kết quả thăm dò dư luận được Ipsos công bố ngày 8/8, ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris đang nhận được 42% ý kiến ủng hộ, dẫn trước so với tỷ lệ 37% của đối thủ Donald Trump từ đảng Cộng hòa trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng thống Mỹ trong tháng 11 tới.

Kết quả thăm dò cho thấy Phó Tổng thống Harris đã nới rộng khoảng cách dẫn trước kể từ cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos vào ngày 22 - 23/7, trong đó, tỷ lệ ủng hộ của bà so với ông Trump là 37% - 34%.

Rơi máy bay khiến hơn 60 người thiệt mạng, Brazil tuyên bố quốc tang 3 ngày

 Hình ảnh trên không cho thấy hiện trường vụ rơi máy bay. Ảnh: CNN Brasil.

Một máy bay chở 57 hành khách và 4 thành viên phi hành đoàn đã bị rơi ở Brazil vào ngày 9/8, khiến toàn bộ người có mặt trên máy bay thiệt mạng.

Hãng hàng không Voepass Linhas Areas cho biết chiếc máy bay ATR-72 do hãng này khai thác đã gặp nạn khi đang trong hành trình bay từ bang Parana đến bang Sao Paulo.

Máy bay mang số hiệu chuyến bay 2283 của Voepass Linhas Aéreas cất cánh từ Cascavel (Tây Nam bang Parana) và đang trên đường đến sân bay quốc tế São Paulo-Guarulhos (ở bang Sao Paulo) thì bị rơi - theo tuyên bố của hãng hàng không Voepass Linhas Aéreas.

Lực lượng cứu hộ bang Sao Paulo thông tin trên mạng xã hội rằng chiếc máy bay đã bị rơi ở thành phố Vinhedo và họ đã cử đội cứu hộ đến hiện trường. Dữ liệu theo dõi chuyến bay cho thấy chiếc máy bay trên đã rơi tự do từ độ cao hơn 5.000 mét chỉ trong 1 phút. Những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy chiếc máy bay dường như lao xuống khu vực có nhiều cây, sau đó xuất hiện một đám khói đen lớn.

Tại một sự kiện vào ngày 9/8, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã nói với đám đông về vụ tai nạn máy bay, yêu cầu dành 1 phút mặc niệm tất cả nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay trên.

 Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã tuyên bố quốc tang 3 ngày để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay tại thành phố Vinhedo thuộc bang Sao Paulo.

Chứng khoán châu Á phục hồi sau phiên bán tháo toàn cầu

Bảng điện tử hiển thị các mã trong chỉ số Nikkei 225 tại một hội trường ở Tokyo (Nhật Bản). Ảnh: Reuters 

Ngày 6/8, các nhà đầu tư tại châu Á đã lấy lại bình tĩnh sau một ngày bán tháo điên cuồng khắp thế giới vì lo ngại khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Tại Nhật Bản, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong lịch sử, giảm tới hơn 12% vào hôm 5/8, đóng cửa ở mức 31.458,42 điểm - ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ "thứ hai đen tối" năm 1987. Tuy nhiên, Nikkei 225 đã phục hồi vào ngày 6/8, có lúc tăng 11%.

Chứng khoán Hàn Quốc - có lúc giảm hơn 10% vào hôm 5/8 cũng đã phục hồi với mức tăng khoảng 4% vào ngày 6/8.

"Sau phiên giảm lịch sử trên toàn châu Á hôm qua, chủ yếu do làn sóng bán tài sản để bù đắp khoản lỗ do dùng đòn bẩy, thị trường hôm nay tăng khá vững chắc", Chris Weston - Giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới chứng khoán Pepperstone nhận định.

Sự biến động trên thị trường chứng khoán bắt đầu vào tuần trước tại Nhật Bản, nơi nhà đầu tư lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ cũng như tác động của đồng yen tăng giá đối với lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đồng yen tăng giá kết hợp với việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất đã tạo tâm lý chung bất ổn cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới.

Triển vọng lãi suất cao hơn khiến đồng yen mạnh lên. Đây là xu hướng có thể tốt cho nền kinh tế Nhật Bản trong dài hạn, nhưng sẽ là lực cản đối với lợi nhuận của doanh nghiệp, đặc biệt đối với các công ty lớn phụ thuộc vào việc buôn bán ra nước ngoài./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới