Để người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Hỗ trợ người nghiện sau cai trở về cộng đồng, huyện Mường La đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hỗ trợ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà hảo tâm để hỗ trợ giải quyết việc làm, giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập ổn định cuộc sống.

Giọng nữ

Câu lạc bộ tự quản “Hoa hướng dương”

Huyện Mường La hiện có 430 người đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế, 127 người quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo thống kê từ tháng 1/2022 đến nay, số người tái nghiện trong thời gian quản lý sau cai là 117 người. Thực tế công tác quản lý người nghiện sau cai còn nhiều khó khăn do không có việc làm, không được hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, số người nghiện ma túy đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái nghiện hoặc vi phạm pháp luật khác.

Thượng tá Lê Mùi, Trưởng Công an huyện Mường La, chia sẻ: Trước thực trạng trên, Công an huyện đã tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống và kiểm soát ma tuý huyện xây dựng mô hình điểm hỗ trợ quản lý người sau cai nghiện ma túy dưới hình thức câu lạc bộ tự quản, thí điểm thành lập câu lạc bộ tự quản “Hoa hướng dương” ở xã Ngọc Chiến. Qua đó, huy động các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ xe mô tô để người sau cai nghiện quản lý, làm phương tiện chở khách du lịch trên địa bàn xã Ngọc Chiến.

CLB tự quản "Hoa hướng dương" xã Ngọc Chiến tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người sau cai nghiện.

Sau gần 1 năm triển khai, mô hình đã tạo việc làm với mức thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/người cho 16 người đang trong diện quản lý sau cai nghiện trên địa bàn xã Ngọc Chiến. Các thành viên CLB tự quản “Hoa Hướng Dương” sau khi được bàn giao xe mô tô từ nguồn xã hội hóa đã sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, từ những chiếc xe mô tô được hỗ trợ đã tạo nguồn thu nhập chính cho các thành viên CLB thông qua phục vụ chở khách du lịch trên địa bàn xã Ngọc Chiến đi đến các điểm du lịch, như: Bản Nậm Nghẹp, đỉnh Tà Chì Nhù... 

Ngượng ngùng khi nhắc lại chuyện cũ, ông Phàng A Chống, bản Nậm Nghẹp, nói: Nghiện ma túy khiến bao nhiêu của cải trong nhà “đội nón” ra đi, cuộc sống khó khăn. Sau khi cai nghiện trở về địa phương, được chính quyền và lực lượng công an động viên, tôi tham gia vào CLB tự quản “Hoa hướng dương”, được giao xe và chở khách du lịch tham quan bản và đỉnh Tà Chì Nhù, nhờ đó cuộc sống đỡ vất vả, có thêm nguồn thu nhập ổn định để lo cho cuộc sống gia đình.

Cán bộ Công an xã Ngọc Chiến động viên các thành viên CLB tự quản "Hoa hướng dương".

Còn anh Lèo Văn Thêm, bản Mường Chiến 2, mắc nghiện ma túy từ năm 2019, sau khi đi cai nghiện bắt buộc,năm 2022 anh trở về địa phương sinh sống. Anh Thêm kể: Những ngày tái hóa nhập cộng đồng, tôi không dám ra đường, suốt ngày quanh quẩn trong nhà vì mặc cảm, tự ti. Tham gia vào CLB tự quản “Hoa hướng dương”, tôi đã được động viên, giúp đỡ rất nhiều, giúp tôi lấy lại tinh thần và ý chí phấn đấu, rời xa con đường tội lỗi trước đây. Đến nay, tôi làm thêm nghề thợ mộc cộng thêm tham gia tổ xe ôm mang lại nguồn thu nhập 6-8 triệu đồng mỗi tháng, giúp tôi ổn định cuộc sống. Tôi cũng mong muốn những người từng như tôi sớm nhận ra lỗi lầm của mình để làm lại cuộc đời khi chưa quá muộn.

Thành viên CLB tự quản "Hoa hướng dương" chở khách du lịch tham quan tại xã Ngọc Chiến.

Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, đánh giá: CLB tự quản “Hoa hướng dương” ngay cái tên đã thể hiện tính nhân văn, mong muốn người sau cai nghiện luôn hướng về điều tích cực và bỏ lại sau lưng những lầm lỡ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Đảng ủy xã đang tiếp tục chỉ đạo triển khai mô hình quản lý sau cai trên địa bàn, kêu gọi xã hội hóa các doanh nghiệp, nhân dân của 15 bản hỗ trợ kinh phí mua con giống, cây trồng hỗ trợ cho người sau cai nghiện phát triển sản xuất.

                                                                         Nhân rộng các mô hình giúp đỡ

Từ hiệu quả mô hình giúp đỡ người sau cai nghiện ở xã Ngọc Chiến, tháng 6/2024, Công an huyện Mường La đã tham mưu đề xuất Ban chỉ huyện ban hành kế hoạch mở rộng mô hình “Hỗ trợ giải quyết việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn huyện”. Với mục tiêu, mỗi một xã có 1 mô hình hỗ trợ, giúp đỡ người quản lý sau cai và người nghiện đang điều trị bằng thuốc thay thế; 100% người hoàn thành chương trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý, tư vấn, giám sát, hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm việc làm; 100% người nghiện đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế được quản lý, giám sát, tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề...

Đến nay, 100% các xã, thị trấn đã tổ chức rà soát tình hình quản lý người sau cai nghiện; thành lập các ban quản lý tự quản sau cai, ban hành quy chế hoạt động, xây dựng các mô hình và nội quy của hỗ trợ giải quyết việc làm, một số địa phương đã bắt đầu triển khai mô hình.

Công an thị trấn Ít Ong tuyên truyền nhân dân quan tâm giúp đỡ cho người sau cai nghiện ma túy. 

Tại thị trấn Ít Ong đang quản lý 18 người sau cai nghiện, 35 người đang điều trị methadone, tháng 7/2024, UBND thị trấn đã thành lập Ban quản lý, ban hành quy chế hoạt động mô hình “Sau cai nghiện ma túy”, thành lập mô hình “Câu lạc bộ rửa xe” thị trấn Ít Ong với 8 thành viên là người sau cai nghiện và người đang điều trị methadone; huy động xã hội hóa các nhà hảo tâm mua máy rửa xe, đến nay điểm rửa xe tạo việc làm cho các thành viên. 

Anh Lò Văn Sinh, ở tiểu khu Hua Ít, thị trấn Ít Ong, thành viên của CLB rửa xe, tâm sự: Công việc này giúp tôi có thu ổn định, có tiền để nuôi bản thân, lo cho gia đình, tôi sẽ quyết tâm làm lại cuộc đời.

Công an thị trấn Ít Ong vận động tuyên truyền người đang điều trị nghiện bằng thuốc thay thế tham gia mô hình “Câu lạc bộ rửa xe” thị trấn Ít Ong.

Ông Phùng Mạnh Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường La, thông tin: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm triển khai các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong hỗ trợ giải quyết việc làm, giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Không để người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện bằng thuốc thay thế lợi dụng việc hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng để vi phạm pháp luật, tái nghiện. Tạo điều kiện để người sau cai nghiện ma túy được tiếp cận vay vốn tự tạo việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo điều kiện cho người sau cai nghiện vào làm việc. Thành lập Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho người sau cai nghiện ma túy bằng nguồn xã hội hóa.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện Mường La và sự vào cuộc quyết liệt của Công an huyện cùng các đơn vị liên quan, đã bước đầu hỗ trợ tạo việc làm cho người lầm lỡ xóa bỏ tự ti, mặc cảm, hoà nhập cộng đồng để có cuộc sống ổn định, góp phần từng bước hạn chế việc người sau cai nghiện tái phạm, vi phạm pháp luật, thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới