Agribank Sơn La - 35 năm đồng hành cùng “tam nông”

Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La được thành lập theo Quyết định số 66/NH-QĐ ngày 8/7/1988 của Thống đốc NHNN Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/1988.

Cán bộ Phòng giao dịch Agribank Sốp Cộp kiểm tra sử dụng vốn vay của nông dân xã Dồm Cang.  Ảnh: Huy Thành

Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank Sơn La không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn, là “cầu nối” quan trọng đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với khách hàng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Quá trình thành lập và phát triển

Thời điểm mới thành lập, Ngân hàng đã phải đối mặt với bao bộn bề gian khó từ đội ngũ cán bộ đến cơ sở vật chất, hệ thống mạng lưới. Tiếp quản 734 cán bộ cùng cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, lạc hậu của Ngân hàng Nhà nước 10 huyện, thị xã cộng với ngân hàng đầu tư và xây dựng, các phòng tín dụng và quỹ tiết kiệm. Tổng giá trị tài sản chỉ có 41 triệu đồng; dư nợ 1.7 tỷ đồng và nguồn vốn hơn 1 tỷ đồng.

Đến cuối năm 1993, đơn vị còn trên 300 cán bộ. Đồng thời, tăng năng suất lao động và quy mô hoạt động phù hợp; mở rộng kinh doanh tín dụng, thực hiện cơ chế khoán tài chính, chuyển đổi cơ cấu cho vay thực hiện các chương trình dự án tập trung của tỉnh. Đồng thời Agribank tiến hành đổi mới toàn diện mô hình tổ chức, mạng lưới kinh doanh theo hướng hiện đại hóa giao dịch thanh toán qua Ngân hàng, xóa bỏ chế độ bao cấp, tự chủ trong hoạt động kinh doanh; đổi mới công tác lãnh đạo, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Sơn La.

Với những chiến lược phát triển phù hợp, đến năm 1999, nguồn vốn đạt 223 tỷ đồng, dư nợ đạt 351 tỷ đồng, tăng trưởng 206 lần so với thời điểm mới thành lập. Khó khăn của những năm đầu thành lập dần được tháo gỡ, hoạt động của Agribank Sơn La thời kỳ 1999 -2013 đi vào ổn định, phát triển, tổ chức bộ máy cơ bản được kiện toàn; tổ chức mạng lưới tiếp tục mở rộng. Năm 2013, đơn vị đổi tên thành Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Sơn La.

Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ “tam nông”

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Agribank Sơn La dành 72% tổng dư nợ đầu tư cho lĩnh vực tam nông triển khai các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ và các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng nguồn vốn đạt 9.800 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 16.500 tỷ đồng, tăng trưởng 9.706 lần so với năm 1988. Thông qua hơn 1.000 tổ vay vốn, trên 43 nghìn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất kinh doanh, giúp nông dân có vốn để sản xuất; nhiều mô hình kinh tế liên kết theo chuỗi được hình thành, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp được đầu tư hiệu quả.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ Agribank Digital.

Ông Phạm Văn Ba, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc, huyện Phù Yên, cho biết: Năm 2016, HTX dịch vụ nông nghiệp Mường Tấc thành lập, được Agribank Phù Yên cho vay vốn 2 tỷ đồng, HTX đã đầu tư hệ thống nhà màng, nhà lưới phục vụ trồng rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, ngoài 10 ha trồng các loại rau, củ, quả các loại, HTX còn liên kết gần 50 hộ dân các xã Huy Tân, Suối Bau, Kim Bon và Mường Thải trồng 40 ha rau màu. Bình quân mỗi năm, HTX sản xuất, bao tiêu hơn 200 tấn rau, củ, quả... doanh thu gần 2 tỷ đồng/năm.

Còn tại huyện vùng cao Bắc Yên, tiếp cận với nguồn vốn vay của Agribank, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vươn lên phát triển kinh tế. Điển hình, như gia đình anh Mùa A Say, xã Phiêng Ban, năm 2017, từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng của Agribank, anh đã đầu tư vào chăn nuôi và mua máy xay xát để phục vụ bà con trong bản. Anh Say nói: Đến nay, gia đình tôi đã có đàn gia súc lợn, ngựa, bò gần 40 con; cùng với dịch vụ xay xát, giúp gia đình có nguồn thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Hiện gia đình tôi đã xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang và có điều kiện để cho các con học tập.

Từ nguồn vốn của Agribank Sơn La đang giúp nhiều hộ nông dân có vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.

Phát triển theo hướng ngân hàng số

Không nằm ngoài xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ, Agribank Sơn La đã đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số. Hiện nay, Agribank Sơn La đầu tư 29 máy ATM/CDM; 1 ngân hàng số; 105 POS; 265 QRcode cùng nhiều điểm chấp nhận thanh toán bằng mã VietQR trên địa bàn toàn tỉnh, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn vay và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Ông Phạm Văn Bằng, Giám đốc Agribank Sơn La, cho biết: Năm 2022, Agribank Sơn La là một trong 17 đơn vị được Agribank lựa chọn triển khai ngân hàng số đầu tiên trên toàn quốc. Việc Agribank Digital đi vào hoạt động được xem là một bước tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng, mang dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với nhân dân, góp phần hiện thực hóa chủ trương chuyển đổi số của toàn ngành ngân hàng cũng như mục tiêu từng bước thực hiện lộ trình số hóa hoạt động ngân hàng một cách thực chất, qua đó, tối đa hóa tiện ích cho người dùng.

Cán bộ Agribank Phù Yên kiểm tra sử dụng vốn vay tại HTX Mường Tấc.

Các dịch vụ ngân hàng điện tử của Agribank cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách hàng trong các giao dịch chuyển và nhận tiền trực tuyến, thanh toán hóa đơn, mua sắm... Khuyến khích khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank Sơn La đã giao nhiệm vụ cán bộ, nhân viên tích cực tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ ngân hàng số và sử dụng thẻ thấu chi hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay, góp phần quan trọng đẩy lùi tín dụng đen vùng nông thôn.

Anh Lò Văn Dũng, bản Lầu, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La, chia sẻ: Trải nghiệm những tính năng mới và hiện đại của Agribank Digital, thông qua nhận dạng khuôn mặt và vân tay với thao tác đơn giản giúp tôi rút tiền rất thuận tiện. Với Agribank Digital, mọi giao dịch đều được tự động hóa, với tốc độ xử lý nhanh, tôi có thể thực hiện một số dịch vụ ngân hàng, đặc biệt có thể đăng ký nhu cầu vay vốn tại bất kỳ thời điểm nào thay vì phải đến ngân hàng xếp hàng chờ đợi như trước kia, giúp tôi dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.  

Ngoài thực hiện nhiệm vụ hoạt động kinh doanh, Agribank Sơn La còn làm tốt công tác an sinh xã hội, chung tay vì cuộc sống cộng đồng. Kể từ ngày thành lập đến nay, Agribank Sơn La đã ủng hộ hàng trăm tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, trong đó đặc biệt là đầu tư cho y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh Covid-19, xóa nhà tạm cho các hộ nghèo, gia đình chính sách...

Với những nỗ lực không ngừng, trải qua 35 năm đổi mới, phát triển, Agribank Sơn La đã khẳng định vai trò, vị thế của một ngân hàng đi đầu, chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn. Những thành tựu đạt được là tiền đề, động lực quan trọng để Agribank Sơn La phát triển theo hướng ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ hiện đại, phát triển an toàn, hiệu quả, có những bước tiến vượt bậc, góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới