Mai Sơn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Tạo niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, huyện Mai Sơn thực hiện nghiêm quy chế dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Mô hình trồng chanh leo của nông dân xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Lò Lệ Thu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Phó trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ huyện Mai Sơn, thông tin: Ngay từ đầu năm, cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh việc quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đưa việc thực hiện quy chế dân chủ vào chương trình công tác hằng năm. Gắn thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.

Thực hiện quy chế dân chủ ở huyện Mai Sơn gắn với chương trình cải cách hành chính, thường xuyên rà soát, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính một số lĩnh vực trọng tâm, như đất đai, kinh doanh, cấp phép xây dựng, đảm bảo trên 90% thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại. Các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trên cổng thông tin điện tử, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. Từ đầu năm đến nay, Bộ phận một cửa liên thông huyện, xã, thị trấn đã tiếp nhận 18.858 hồ sơ các loại của tổ chức và công dân; 99% các hồ sơ được  giải quyết đúng và trước hạn. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã làm tốt công tác tiếp công dân, đối thoại thường xuyên, định kỳ, đột xuất với nhân dân tại trụ sở tiếp công dân. Từ đầu năm đến nay, cấp huyện, xã đã tổ chức 30 cuộc đối thoại, 103 lượt tiếp công dân; tiếp nhận, xem xét, giải quyết 48 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn tổ chức họp dân để công khai, bàn bạc các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, như chủ trương và mức đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng ở khu dân cư, các công trình xây dựng có vốn Nhà nước và nhân dân cùng làm, các quy ước, hương ước của cộng đồng, các quy định, tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và các nội dung liên quan đến xây dựng các công trình phúc lợi cộng đồng... Đến nay, các xã, thị trấn kiện toàn Ban thanh tra nhân dân, 68 ban giám sát đầu tư cộng đồng với 388 thành viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu, chi và sử dụng các loại quỹ tại bản, tiểu khu.

Từ một xã còn nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, đến nay, bộ mặt nông thôn ở xã Phiêng Cằm có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Có được thành quả ấy là nhờ cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Hoàng Mạnh Lân, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Thực tế, chỉ khi người dân được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra và được hưởng thụ, thì họ mới nhiệt tình tham gia. Riêng trong 3 năm trở lại đây, nông dân trong xã đã chuyển đổi gần 500 ha đất trồng ngô, lúa nương sang trồng cây chè, cà phê; trồng trên 200 ha cây ăn quả, chủ yếu là cam, mận, hồng, chanh leo, dâu tây... Xã đã định hình những sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, như cam đường canh, chanh leo. Bên cạnh đó, hưởng ứng chủ trương vận động toàn dân tích cực tham gia chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững, xã đã tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng 15 tuyến đường nội bản, liên bản, dài 10,2 km, trong đó 246 hộ dân tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất và đóng góp trên 1.100 ngày công lao động để mở rộng các tuyến đường.

Tại thị trấn Hát Lót, một trong những chủ trương đang được cấp ủy chỉ đạo tuyên truyền là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi. Theo đó, thị trấn có 26 xóm thuộc 8 tiểu khu nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi. UBND thị trấn tập trung tuyên truyền, quán triệt Luật Chăn nuôi và các văn bản liên quan; tổ chức cho các cơ sở chăn nuôi ký cam kết, xây dựng phương án ngừng hoạt động chăn nuôi, hoặc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trong thời hạn quy định. Đến nay, 100% các hộ dân đã ký cam kết dừng chăn nuôi tại khu dân cư.

Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Mai Sơn đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, huy động sự chung tay, góp sức của nhân dân tham gia các hoạt động, lĩnh vực của đời sống. Đồng thời, củng cố mối quan hệ giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phúc An
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới