Nhịp sống mới ở Chiềng Pha

Là xã vùng 3 của huyện Thuận Châu, Chiềng Pha có lợi thế nằm dọc quốc lộ 6, những năm qua, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã đã đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thuận Châu hướng dẫn nông dân xã Chiềng Pha chăm sóc cây ăn quả.

Bà Cà Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đã triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp; tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành lập các HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, gắn với bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho hội viên, đoàn viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, với tổng dư nợ hơn 130 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn xã có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ ở bản Heo Trại, Huổi Quỳnh, Ngà Phát; trồng bưởi da xanh ở bản Hưng Nhân; trồng chè ở bản Nong Lào; cà phê ở bản Ngà Phát; chăn nuôi ở bản Ta Khoang.

Chúng tôi về bản Hưng Nhân, dọc theo tuyến đường nhựa phẳng lỳ dẫn vào bản, nhiều ngôi nhà sàn vững chãi, những vườn cây ăn quả, cà phê xanh ngát trải dài. Bà Hoàng Thị Lan, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Bản đã tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hiện nay, bà con đang tập trung chăm sóc 43 ha chè, cà phê; 23 ha cây ăn quả; duy trì hơn 4.000 con gia súc, gia cầm. Kinh tế ổn định, đời sống của người dân được nâng lên, bản không còn hộ nghèo. Cuối năm 2023, bản được công nhận là bản nông thôn mới đầu tiên của xã.

Khai thác tiềm năng, lợi thế, nhiều hộ đã đầu tư mô hình kinh tế hiệu quả và được nhân rộng. Gia đình ông ông Lò Văn Toán, bản Heo Trại đã đầu tư 10 triệu đồng để trồng cây, tiếp đó, vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng diện tích. Ông Toán chia sẻ: Gia đình có hơn 1 ha cây cà phê, vụ vừa qua thu lãi 40 triệu đồng và tiếp tục đầu tư trồng thêm 1 ha cây cà phê.

Điều ghi nhận ở Chiềng Pha là trong phát triển kinh tế tập thể, xã tuyên truyền, vận động nhân dân thành lập các HTX. Đến nay, xã có 3 HTX nông nghiệp liên kết với bà con sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, tạo thu nhập ổn định cho nhân dân. Thu nhập bình quân năm 2023 đạt trên 42 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,21%; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 5,81%.

Anh Hoàng Văn Phúc, Phó Giám đốc HTX chè Chiềng Pha, thông tin: Thành lập năm 2022 với 7 thành viên, quy mô sản xuất là 30 ha chè. HTX đầu tư dây chuyền chế biến công suất 50 tấn chè búp tươi/ngày và được các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ tập huấn về quản trị HTX, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, bảo đảm sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 250 hộ ở xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lập, Mường É. Trung bình mỗi năm HTX chế biến 1.000 tấn chè khô; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước Trung Đông.

Với việc phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, xã Chiềng Pha đã và đang tạo những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu nhập, xây dựng quê hương phát triển.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới