Bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Tà Xùa

Nằm ở sườn đông nam của dãy Hoàng Liên Sơn, rừng đặc dụng Tà Xùa có tổng diện tích hơn 17.650 ha, chia làm 3 phân khu chính: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 15.211 ha; phân khu phục hồi sinh thái 2.439 ha; phân khu dịch vụ hành chính 1 ha, thuộc địa bàn các xã Mường Thải, Suối Tọ (Phù Yên), xã Háng Đồng, Tà Xùa (Bắc Yên). Bên cạnh vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng Tà Xùa còn có nhiều sinh cảnh độc đáo, có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, là nơi có điều kiện tốt cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học được xem là một nhiệm vụ cấp thiết.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa tuần tra bảo vệ rừng.

Theo kết quả đánh giá và khảo sát năm 2017, rừng đặc dụng Tà Xùa có 671 loài thực vật, trong đó 138 loài cây làm thuốc; 134 loài cho gỗ; 91 loài làm thức ăn, nước uống, làm gia vị. Các loài cây này không chỉ đem lại giá trị bảo tồn đặc biệt cho BQL rừng đặc dụng Tà Xùa mà còn đối với khu vực Tây Bắc và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, hệ động vật trong rừng đặc dụng Tà Xùa phong phú về thành phần và số lượng, với 283 loài động vật, trong đó 58 loài thú, 176 loài chim, 32 loài bò sát, 17 loài ếch nhái. Hệ động vật này có tính đặc hữu cao, với nhiều loài quý hiếm, như: Cu li nhỏ, sơn dương, gấu ngựa, mèo rừng, khỉ mặt đỏ, rái cá vuốt bé...  Ngoài những giá trị về bảo tồn, rừng Tà Xùa còn có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường sinh thái và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng và là rừng phòng hộ đầu nguồn lưu vực sông Đà. Sự nguyên sơ của núi rừng cùng với sự đa dạng cảnh quan và các loài động thực vật là tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái.

Rừng đặc dụng Tà Xùa trải dài trên khu vực có đồng bào Mông, Mường, Dao, Kinh cùng sinh sống (đồng bào Mông chiếm 70%). Nhân dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, diện tích đất canh tác rộng nhưng độ dốc lớn, cùng với quá trình làm nương từ lâu đời đã làm rửa trôi lớp đất mặt, năng suất cây trồng thấp, nên một bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng, chưa chủ động phát triển rừng, tình trạng săn bắt thú rừng vẫn diễn ra. Mặt khác, diện tích rừng hiện còn tập trung ở khu vực xa dân cư, vùng giáp ranh, do đó việc kiểm tra, truy quét các đối tượng vi phạm gặp khó khăn. Nhiều khu rừng xen lẫn với vùng canh tác nông nghiệp, vào mùa làm nương nguy cơ tiềm ẩn cháy rừng và lấn chiếm rừng cao... Chính vì vậy, nhiều hệ sinh thái và môi trường sống bị thu hẹp diện tích; các loài cây dược liệu quý cũng đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng.

Ông Lê Huy Dũng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa cho hay, Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương với nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, bổ sung vào quy ước các bản... Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã phối hợp với các xã, bản tổ chức 25 cuộc họp trên địa bàn 3 xã: Mường Thải, Suối Tọ, Háng Đồng. Nội dung tuyên truyền chủ yếu về Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/04/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; Thông tư số 35/2011/BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời, thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, tổ đội phòng chống cháy rừng; xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về công tác thực thi pháp luật, nâng cao kiến thức về môi trường, quản lý đất và sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các cuộc điều tra, đánh giá hiện trạng, cấu trúc quần thể, mật độ, trữ lượng, phân bố các loài động vật, thực vật quý hiếm, làm cơ sở để triển khai hệ thống giám sát đa dạng sinh học, lập hồ sơ quản lý các loài đặc hữu và đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển bền vững các loài động, thực vật tại đây...

Là một trong những nơi đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng đặc dụng Tà Xùa đã khoán bảo vệ và chi trả 12.886,51 ha rừng cho 10 bản, thuộc các xã Mường Thải, Suối Tọ (Phù Yên) và xã Háng Đồng của huyện Bắc Yên; hỗ trợ kinh phí cho các bản vùng đệm thực hiện giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống. Nói về vấn đề này, ông Mùi Đức Việt, Trưởng bản Chiếu, xã Mường Thải (Phù Yên), chia sẻ: Bản có 132 hộ, hầu hết các hộ đều tham gia bảo vệ rừng theo mô hình cộng đồng, nhóm hộ hoặc cá nhân. Một tuần một lần, tổ chức luân phiên tuần tra bảo vệ rừng, làm giảm đáng kể tình trạng phá rừng, xâm canh rừng, từng bước được cải thiện môi trường rừng. Được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, mọi người dân đều vui vẻ, phấn khởi vì được góp sức bảo vệ rừng, lại có thêm thu nhập từ chính việc khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Tà Xùa đang nỗ lực bảo vệ tốt tài nguyên rừng đặc dụng được giao quản lý, làm giảm áp lực đối với việc xâm hại, phá huỷ đa dạng sinh học trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Lò Thái
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới