Trao truyền, gìn giữ tiếng sáo Mông

Trong 12 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn tỉnh Sơn La, dân tộc Mông chiếm khoảng 12% dân số toàn tỉnh với bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, nhất là các loại nhạc cụ dân tộc, trong đó có sáo Mông.

Ngoài khèn bè, khèn lá, đàn môi, sáo Mông là nhạc cụ đặc sắc được bao thế hệ đồng bào dân tộc Mông trao truyền, gìn giữ, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội, là chất liệu hình thành nhiều làn điệu dân ca, là nhạc cụ biểu hiện tâm tư, tình cảm giao duyên giữa các đôi trai gái mỗi dịp tết đến xuân về.

Bà Lò Thị Bích Thủy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, cho biết: Thực hiện chủ trương bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa nghệ thuật tộc của UBND tỉnh Sơn La, từ năm 2010, Trung tâm đã thành lập một số câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật, thu hút nhân dân đến sinh hoạt. Trong đó, câu lạc bộ (CLB) sáo Mông góp phần phổ cập, quảng bá, bảo tồn, gìn giữ giá trị âm nhạc sáo Mông, đáp ứng nhu cầu, sở thích diễn tấu sáo Mông trong sinh hoạt cộng đồng, liên hoan, lễ hội, phục vụ tham quan du lịch tại Sơn La.

Thầy giáo Thào A Tùng (thứ nhất bên trái) cùng học viên trình diễn sáo Mông sau khóa học.

Ban chủ nhiệm CLB sáo Mông do thầy giáo, nghệ nhân Lê Văn Quảng trực tiếp đứng lớp. Ban đầu thiếu tài liệu, giáo trình, nhưng với nỗ lực, cố gắng, vận dụng linh hoạt điều kiện cơ sở vật chất sẵn có, đã thu hút các em học sinh ở các trường phổ thông THCS, PTTH, Trường Dân tộc nội trú đến tham gia học tập.

CLB sáo Mông duy trì tổ chức vào dịp hè dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy giáo, nghệ nhân Lê Văn Quảng, tình nguyện dạy miễn phí cho người có nhu cầu tìm hiểu, muốn học sáo Mông. Năm 2018, Trung tâm đã mời thêm thầy giáo Thào A Tùng, dân tộc Mông, tốt nghiệp cao đẳng sáo Trường cao đẳng VHNT Tây Bắc, làm giáo viên cộng tác. Dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của các giáo viên, nghệ nhân, từ năm 2010 đến nay, CLB sáo Mông đã mở được 13 lớp, thu hút hơn 150 học viên thuộc các dân tộc: Mông, Thái, Khơ Mú, Mường, Dao... Kết thúc các khóa học, nhiều em đạt loại giỏi, trở thành lực lượng nòng cốt, hạt nhân văn nghệ tại các địa phương cơ sở.

Thầy giáo, nghệ nhân Lê Văn Quảng cho biết: Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu kỹ các dạng kỹ thuật diễn tấu sáo Mông; dạy học sáo Mông truyền thống và bài bản; các làn điệu dân ca Mông và một số ca khúc chuyển soạn cho sáo Mông diễn tấu mang âm hưởng dân ca Mông… để truyền đạt cụ thể, chi tiết kỹ thuật thổi sáo Mông, giúp người học hiểu, nắm vững phương pháp diễn tấu; so sánh, đối chiếu cách dạy học truyền khẩu dân gian với nhìn bản nhạc thị phạm trực tiếp. Đồng thời hỗ trợ tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình văn hóa văn nghệ, hội diễn, góp phần phổ biến sáo Mông đến thế hệ trẻ Sơn La. 

Thầy giáo, nghệ nhân Lê Văn Quảng (bên phải) hướng dẫn học viên học sáo Mông

Nhạc cụ sáo Mông ngoài cấu tạo, vị trí cao độ từ các lỗ bấm dọc thân sáo, còn có điểm đặc biệt là xuất phát lỗ thổi đặt 1 lưỡi gà bằng đồng tạo âm thanh riêng biệt. Ngoài phương pháp dạy học sáo Mông chuyên nghiệp, còn có phương pháp dạy phổ biến nhất hiện nay là kết hợp truyền khẩu và truyền ngón. Truyền khẩu được người dạy chỉ dẫn cách đặt (hoặc áp) môi vào lỗ thổi, phương pháp thổi (đẩy hơi) theo lực mạnh, nhẹ tùy thuộc lỗ bấm và một số kỹ thuật đặc trưng sáo Mông. Truyền ngón là thế bấm tạo vị trí cao độ qua cách bịt, chặn, vuốt, lướt tạo âm thanh, màu sắc giai điệu. Với người học, đây là phương pháp tiếp thu trực tiếp, thực hiện kiểu “cầm tay, chỉ việc”, người dạy đến đâu, làm theo đến đó, thích hợp đối tượng quần chúng nhân dân.

 Học viên lớp sáo Mông trình diễn tại khóa tốt nghiệp

Thầy giáo Thào A Tùng cho biết: Để làm 1 cây sáo Mông phải lên núi tìm loại nứa (hoặc trúc) già, đủ tuổi làm sáo, sau đó cắt mang về phơi nắng, hong bếp khô từ 6 tháng đến 2 năm. Kích thước sáo Mông nam có chiều dài 30- 50cm, sáo Mông nữ khoảng 20- 30cm, chiều dài sáo liên quan xác định giọng chủ: Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si thành tên gọi sáo, ví dụ sáo Đô do âm Đô ở nốt thấp nhất. Điều này liên quan chặt chẽ trong biểu diễn, thể hiện tác phẩm viết cho sáo Mông, căn cứ tone, giọng điệu, người trình diễn sử dụng loại sáo phù hợp để thể hiện. Điểm đặc biệt tạo âm thanh sáo Mông ở lỗ thổi đặt một miếng lam đồng (còn gọi là lưỡi gà) có độ đàn hồi, hình tam giác cân, gắn dưới lỗ thổi bằng sáp ong; là bộ phận riêng biệt, chỉ lộ một khe để đón luồng hơi làm rung lưỡi gà bên trong, không để khí thoát ra ngoài, rất khác với sáo Việt thông thường.

Gần đây, sáo Mông được cải tiến, toàn bộ ống độc lập, tách riêng lỗ thổi qua một khớp nối đem lại nhiều tác dụng hữu ích, như: Lắp dễ dàng, bảo quản kịp thời, chỉnh sửa lưỡi gà đúng cao độ thanh âm trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, tháo rời nhanh để vào hộp sáo, giúp người thổi sáo chủ động diễn tấu thuận theo tay phải, trái, tạo tính thẩm mỹ, bảo vệ an toàn khi di chuyển. Toàn bộ thân sáo là hộp cộng hưởng, tiếng sáo nghe mượt, rõ, chắc khỏe, vang, đòi hỏi quá trình chế tác công phu, nhiều kinh nghiệm, tùy theo chất liệu, hiểu biết, trình độ cá nhân làm mà từng cây sáo Mông có âm thanh khác nhau.

CLB sáo Mông của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển đào tạo, thu hút nhiều người tham gia, nhằm tiếp tục quảng bá, tuyên truyền nghệ thuật thổi sáo Mông độc đáo trong hoạt động văn hóa, du lịch, góp phần bảo tồn, gìn giữ và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của nhân dân. 

Bài, ảnh: Nguyễn Minh Hải (Trường cao đẳng Sơn La)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới