Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở

Các thiết chế văn hóa, thể thao từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và sinh hoạt của bà con nhân dân từ vùng thành thị đến nông thôn. Tại Sơn La, hệ thống các công trình nhà văn hóa, sân bãi tập đã được quan tâm đầu tư, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Giọng nữ

Toàn tỉnh hiện có 10 nhà văn hóa cấp huyện, thành phố; 185/204 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; hơn 2.000 nhà văn hóa cấp tổ, bản, tiểu khu. Tại các khu dân cư, các bản làng vùng cao, nhà văn hóa bản là nơi sinh hoạt cộng đồng, được ưu tiên xây dựng ở vị trí trung tâm của khu dân cư, thiết kế kiến trúc đa dạng, phù hợp với tập quán sinh hoạt và văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Hệ thống các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị; các địa phương cũng chủ động vận động nhân dân hiến đất, góp công sức, vật liệu xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của bà con nhân dân.

Sân trung tâm xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ là nơi diễn ra lễ hội Hoa ban hằng năm.

Tại Quỳnh Nhai, miền đất giàu truyền thống văn hóa, các thiết chế văn hóa tại đây đã được nhà nước và nhân dân cùng chung sức xây dựng, trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng hiệu quả. Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Toàn huyện hiện có 11/11 xã có nhà văn hóa, đảm bảo mỗi bản, xóm đều có 1 nhà văn hóa và được phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, phong trào văn hóa, văn nghệ tại Quỳnh Nhai luôn được duy trì và phát triển với 188 đội văn nghệ, 4 câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc”, góp phần bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Huyện cũng quan tâm công tác chỉ đạo đầu tư hỗ trợ cơ sở vật chất về văn hóa cấp xã, bản nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của bà con và nhằm từng bước hoàn thiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới.

Chi bộ bản Ít Ta Bót, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai họp tại nhà văn hóa bản.

Nói về vai trò của nhà văn hóa bản, ông Hoàng Văn Hợp, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít Ta Bót, xã Chiềng Khay, Quỳnh Nhai, nói: Bản Ít Ta Bót được sáp nhập 2 lần, từ 4 bản nay thành một bản với 204 hộ và 3 dân tộc Kháng, Mông, Thái. Vừa qua, bản đã thống nhất trích từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hơn 80 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp và làm mái tôn che sân trước nhà văn hóa bản, tạo thuận lợi cho bà con sinh hoạt cộng đồng. Nhờ có nhà văn hóa bản, mỗi khi cần triển khai công việc chung, các hộ đều tập trung tại đây để họp bàn, thống nhất và cùng nhau tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, giúp bà con các dân tộc thêm hiểu nhau, đồng thuận và đoàn kết hơn.

Nhà văn hóa bản là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của bà con.

Đa số các công trình nhà văn hóa ở bản được xây dựng chung với sân bãi dùng cho các hoạt động thể dục thể thao (TDTT), đáp ứng đồng thời nhu cầu luyện tập các môn thể thao chung của cộng đồng dân cư. Không chỉ vậy, những năm gần đây, các thiết chế thể thao đa dạng về loại hình đang ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư và nâng cấp 37 nhà thi đấu và luyện tập TDTT, 18 bể bơi các loại; 609 sân luyện tập và thi đấu thể thao ngoài trời, như: Sân vận động, sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, sân bóng rổ, sân cầu lông, sân quần vợt… Hằng năm, ngoài các giải thi đấu cấp tỉnh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh cũng tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao với các môn thi đa dạng, phong  phú, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia ở mọi lứa tuổi.

Bà con dân tộc Thái tại Thành phố với trò chơi dân gian tó mák lẹ.

Là địa phương có phong trào TDTT sôi nổi, 100% các tổ, bản của Thành phố đều có sân thể thao. Thành phố Sơn La cũng là nơi tập trung các thiết chế thể thao quy mô lớn, các công trình, dịch vụ thể thao đa dạng, phong phú về loại hình để người dân lựa chọn môn thể thao phù hợp với sở trường. Bà Lù Thị Đoàn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Thành phố, thông tin: Thành phố đang duy trì 105 CLB thể thao quần chúng. Ngoài các giải thể thao do xã, phường tổ chức, mỗi năm, Thành phố tổ chức từ 7-10 giải thi đấu thể thao, tạo cơ hội để các vận động viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và cổ vũ phong trào TDTT của Thành phố phát triển ngày càng mạnh mẽ, hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Toàn tỉnh đang duy trì hơn 500 câu lạc bộ thể thao quần chúng với sự tham gia nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân không phân biệt lứa tuổi, việc làm; tỷ lệ dân số tập luyện thể dục thể thao thường xuyên của tỉnh đạt 28,3%. Cũng nhờ vậy, các giải thể thao quần chúng được đầu tư bài bản hơn, chất lượng luyện tập được cải thiện qua từng giải đấu.

Trong 6 tháng đầu năm, đã có 4 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh cùng nhiều hoạt động thể thao sôi nổi được tổ chức thành công; thành lập đoàn vận động viên tham gia Giải vô địch đẩy gậy, kéo co toàn quốc giành được 4 HCV, 1 HCB, 9 HCĐ; đội tuyển của tỉnh thi đấu tại Hội khỏe phù đổng toàn quốc khu vực I đạt nhiều thành tích cao, đứng thứ 4/13 đoàn tham dự giải. Những thành tích này đã và đang là nguồn động lực cổ cũ phong trào TDTT quần chúng ngày càng phát triển đi lên và chứng tỏ về hiệu quả hoạt động của các thiết chế thể thao được đầu tư tại cơ sở.

Cuộc thi kéo co tổ chức tại sân thể thao xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ.

Ông Đỗ Thế Công, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng hiện nay đang được khuyến khích duy trì và phát triển với đa dạng hoạt động, loại hình và các môn thể thao dân tộc, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể và giải trí của nhân dân. Các hoạt động này không chỉ góp phần xây dựng đời sống văn hoá cơ sở mà còn là nơi bồi dưỡng những nhân tài thể thao tham gia vào các giải thể thao quần chúng, từ đó, tuyển chọn nhân tố cho đội tuyển vận động viên thành tích cao của tỉnh.

Có thể thấy, các thiết chế văn hóa – thể thao tại cơ sở đã và đang phát huy tốt vai trò, hiệu quả hoạt động, giúp phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển cả về quy mô và chất lượng, đa dạng về hình thức. Không chỉ góp phần quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe, các công trình này còn là nơi giúp gắn kết mỗi cộng đồng dân cư, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền chặt.

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới