Những nhạc cụ "thổi hồn" cho làn điệu dân ca thái

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, những làn điệu dân ca Thái tựa như “cơm ăn nước uống” và trở thành nét đẹp văn hóa được trao truyền qua các thế hệ, sống mãi cùng thời gian.

Nghệ nhân CLB văn hóa Thái cổ Mường Vạt, huyện Yên Châu biểu diễn khắp Thái.

Hát Thái đa dạng về thể loại, cách diễn xướng phong phú, đi cùng với những điệu hát thường có các loại nhạc cụ truyền thống đệm theo như: pí (sáo), nhị, khèn bè… mỗi loại nhạc cụ đều mang một sắc thái khác nhau, tạo cảm xúc cho người hát và “thổi hồn” cho làn điệu dân ca Thái thêm bay bổng, sâu lắng, đi vào lòng người.

Những điệu dân ca của đồng bào dân tộc Thái ở huyện Yên Châu được khởi nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, gắn với những thanh âm trầm bổng của chiếc khèn bè, một loại nhạc cụ đặc trưng riêng có của người Thái nơi đây. Khèn bè được làm từ cây “mạy pao”, một loại nứa mọc tự nhiên trong rừng. Cấu tạo của chiếc khèn cũng rất đặc biệt, gồm một ống thổi và 14 ống nứa ghép lại thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang. Có ba làn điệu khèn bè cơ bản để đệm cho những bài hát Thái, mỗi làn điệu có nét độc đáo riêng và được sử dụng trong những bối cảnh khác nhau.

Ông Lường Văn Chựa, bản Ngùa, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, một nghệ nhân am hiểu về văn hóa Thái, chia sẻ: Ở tỉnh Sơn La duy chỉ có giọng hát của dân tộc Thái ở vùng Yên Châu là phù hợp với khèn bè. Khèn bè có 3 làn điệu chính, thứ nhất là điệu “băm” mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng, thường đệm cho những bài hát tâm tình, ru con. Thứ hai là điệu “xiếng ẹt” thường thổi đệm cho người đàn ông hát và mang màu sắc vui tươi; thứ 3 là điệu “xiếng thuôn” với giai điệu trầm bổng, da diết, thổi đệm cho các cặp đôi trai gái khi hát giao duyên.

Sắc thái của làn điệu “khắp” ở mỗi nơi lại có những nét đặc trưng riêng, vì vậy bà con cũng lựa chọn các loại nhạc cụ khác nhau để đệm hát cho phù hợp với chất giọng của từng vùng. Đồng bào dân tộc thái ở thành phố Sơn La thường dùng đàn nhị trong những cuộc hát giao lưu, đối đáp. Ông Lò Thanh Hoàn, ở bản Hìn, thành phố Sơn La, cho biết: Đàn nhị là nhạc cụ thuộc bộ dây, tiếng Thái gọi là “xi xo lo” với cấu tạo gồm bầu nhị, cần, dây và vĩ cầm. Người chơi nhị phải luôn linh hoạt theo từng nốt lên xuống của người hát, quan trọng nhất là phải thể hiện được độ “rung, ngân” để tạo ra thanh âm mềm mại, uyển chuyển thì bài hát Thái mới “có hồn”.

Một loại nhạc cụ phổ biến khác cũng thường được bà con dân tộc Thái thổi đệm cho những bài “khắp” là pí, được làm từ một ống nứa, trên thân đục 4 lỗ, tương ứng với những nốt: đô, pha, son, la. Pí có nhiều loại như pí pặp, pí thiu, pí tam lay… và mang âm hưởng nhẹ nhàng, sâu lắng, bởi vậy thường được sử dụng để thổi đệm cho những bài hát mang giai điệu buồn, đầy nội tâm như “Đêm trăng gọi bạn”, “Sống trụ xôn xao”…

Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui, huyện Mường La, cho biết: Nhạc cụ để đệm cho hát Thái rất đa dạng và mang những nét đặc trưng riêng của từng vùng miền. Tuy nhiên dù sử dụng loại nhạc cụ nào thì người hát và người đệm nhạc đều phải có sự kết hợp ăn ý với nhau. Quan trọng nhất là người đệm nhạc phải hiểu được điểm mạnh, điểm yếu của người hát và linh hoạt diễn tấu cho phù hợp thì bài hát mới hay và đem lại cảm xúc cho người nghe.

Về các bản mường Sơn La hôm nay, những làn điệu dân ca Thái hòa cùng thanh âm trầm bổng của các loại nhạc cụ dân tộc vẫn ngân nga khắp núi rừng. Các thế hệ đồng bào dân tộc Thái vẫn say mê gìn giữ để những nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc sống mãi với thời gian.

Bài, ảnh: Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới