Nét xuân trong văn hóa, con người Sơn La

Mỗi độ xuân về, các bản làng trên khắp Sơn La lại vang lên tiếng trống hội xòe, tiếng khèn gọi bạn hay những câu khắp “inh lả ơi” làm rộn lòng người. Những nét đẹp truyền thống ngàn đời như được phô diễn đầy đủ, trọn vẹn vào mỗi dịp đầu xuân, tô điểm cho bản làng Sơn La thêm phần rực rỡ giữa muôn vàn hoa khoe sắc.

Phụ nữ dân tộc Thái huyện Quỳnh Nhai giữ nét đẹp văn hóa truyền thống.

Giữa sự thay đổi lớn mạnh của đời sống hiện đại và sự pha trộn của các luồng văn hóa ngoại lai, dẫu vậy, đồng bào các dân tộc Sơn La vẫn đang còn gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa truyền thống được lưu truyền qua hàng ngàn thế hệ cho đến tận hôm nay. Giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ tại mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng dân tộc, nuôi dưỡng đời sống tinh thần của bà con nhân dân, là một phần trong quy ước, hương ước của bản làng.

Nói về văn hóa Sơn La, Nghệ nhân nhân dân Lò Văn Lả, phường Tô Hiệu, Thành phố, đã dành hơn nửa cuộc đời nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, chia sẻ: Sơn La có 12 dân tộc anh em chung sống, văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa luôn là gốc rễ của dân tộc, văn hóa truyền thống là nền tảng để phát huy giá trị và xây dựng môi trường văn hóa, văn minh ở đời sống hiện đại ngày nay. Các nghệ nhân, văn nghệ sĩ của tỉnh luôn dành tâm huyết cho việc sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, sáng tác, làm giàu đẹp cho kho tàng văn hóa, nghệ thuật và con người Sơn La.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Ngành đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Điều trân quý là Sơn La đã làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà với hệ thống các di sản văn hóa vật thể phong phú, gồm: 2 Di tích quốc gia đặc biệt, 15 Di tích quốc gia, 46 Di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh cùng 15 Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Bên cạnh đó, tỉnh ta đã có 1 nghệ sỹ nhân dân, 21 nghệ sỹ ưu tú, 2 nghệ nhân nhân dân và 33 nghệ nhân ưu tú được công nhận, họ đã đóng góp rất lớn vào bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa  các dân tộc.

Biểu diễn nghệ thuật xòe Thái.

Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa truyền thống đang được gìn giữ theo cách riêng, ăn sâu vào tiềm thức, đời sống tinh thần của bà con dân bản. Các bản làng vùng cao không còn thách cưới, không còn hủ tục ma chay, đời sống văn minh, hiện đại, cộng đồng gắn kết, yêu thương. Đó cũng là tiêu chuẩn để đánh giá “Gia đình văn hóa”, “Bản văn hóa”... Toàn tỉnh đã có hơn 3.300 đội văn nghệ quần chúng được thành lập ở các bản, khu dân cư với tinh thần phát huy các điệu dân ca, dân vũ truyền thống của dân tộc. Mỗi năm, toàn tỉnh có 70% số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 57,5% số bản, tổ dân phố văn hóa; 98% số đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, trường học văn hóa... là hiệu quả lớn đạt được trong triển khai phong trào thi đua “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.

Gắn chặt với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, xây dựng con người Sơn La phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm. Chú trọng xây dựng nguồn nhân lực theo hướng toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại, mang đậm nét đặc trưng của con người Sơn La “Yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, nghị lực, thân thiện, cần cù, sáng tạo”. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lớn tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, vai trò xung kích của thế hệ trẻ. Triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, biểu dương, tôn vinh gương điển hình tiên tiến. Tập trung ưu tiên hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ phát triển nguồn nhân lực đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sắc xuân Sơn La hội tụ và thăng hoa theo những tiếng khắp, lời đang, điệu khèn gọi bạn cùng đêm hội đậm đà bản sắc và thắm đượm tình đoàn kết dân tộc. Văn hóa Sơn La đang được gìn giữ trọn vẹn giá trị ngàn đời làm nền tảng để con người Sơn La từng ngày hội nhập, phát triển, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp qua mỗi mùa hoa.

Bài, ảnh: Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới