Gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Khơ Mú

Mặc dù bị tác động của giao thoa văn hóa hiện đại, nhưng bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Cang Ôn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, nhạc cụ, lễ hội và tín ngưỡng.

Khăn piêu của phụ nữ Khơ Mú bản Cang Ôn mang đặc trưng riêng.

Năm 2022, bản Nà Cang và bản Lọng Ôn được sáp nhập, lấy tên là bản Cang Ôn. Bản có 75 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Khơ Mú. Ông Cút Văn Sơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cang Ôn, cho biết: Hằng năm, bản tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong các buổi họp bản, họp đoàn thể để nhân dân hiểu và có ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc. Đồng thời, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ việc gìn giữ, bảo tồn nét đẹp truyền thống dân tộc thông qua trang phục, làn điệu dân ca, ẩm thực, lễ xên bản vào tháng 3 và lễ khoai lang, khoai sọ vào tháng 12 hằng năm.

Hiện nay, bà con dân tộc Khơ Mú ở bản Cang Ôn vẫn giữ những bộ trang phục truyền thống, với khăn piêu, áo cóm, váy đen, dây lưng, chùm cài đầu, xà cạp, bộ xà tích thắt lưng… Nổi bật nhất là khăn đội đầu của người Khơ Mú có nét riêng có, bởi nhiều màu sắc, hoa văn rực rỡ và kỹ thuật thể hiện hoa văn trên khăn piêu có tính tượng hình cao. Bên cạnh đó, nhân dân trong bản vẫn giữ lễ khoai lang, khoai sọ được tổ chức vào dịp cuối năm. Đây được coi là lễ lớn nhất trong năm của người Khơ Mú, mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc.

Ông Sèo Văn Pâng, người có uy tín của bản Cang Ôn, thông tin: Nghi lễ khoai lang, khoai sọ diễn ra trong từng gia đình, có sự tham gia của họ hàng, bà con dân bản. Lễ vật gồm một con gà luộc, khoai lang, khoai sọ luộc và các loại hoa quả khác. Với mong muốn mời ông bà, tổ tiên về chung vui và phù hộ cho gia đình năm tới gặp nhiều may mắn, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ khoai lang, khoai sọ ngày nay vẫn được bảo tồn, tạo nét riêng biệt, đậm đà bản sắc, mang tín ngưỡng tâm linh sâu sắc, tính đoàn kết cộng đồng, gia đình, dòng họ.

Điệu múa Au eo và hát dân ca của đồng bào dân tộc Khơ Mú, bản Cang Ôn, xã Mường Và.

Điệu múa Au eo cũng là một trong những nét đặc trưng, mang tâm linh độc đáo, biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, là sự cộng cảm giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, liên quan mật thiết với tín ngưỡng cầu mùa và khát vọng về tình yêu đôi lứa của người Khơ Mú. Au eo là điệu múa lắc hông, uốn lượn eo, được mô phỏng theo các động tác, cử chỉ lao động hằng ngày như gặt lúa, trồng ngô, đuổi chim, hái rau, xúc tép... Nhạc cụ phục vụ cho điệu múa này chủ yếu làm bằng tre, nứa, như khèn, trống, chiêng khỉ, chập chòe... Hiện nay, bản Cang Ôn đã thành lập đội văn nghệ bản với 10 thành viên. Hằng năm, bản được hỗ trợ kinh phí hoạt động, đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ bà con trong bản, trong xã và tham gia giao lưu tại các hội thi, hội diễn. Ngoài ra, các bà, các mẹ còn truyền dạy điệu múa Au eo, hát dân ca cho thiếu niên, nhi đồng trong bản để giữ gìn điệu múa, bài hát của dân tộc.

Phụ nữ bản Cang Ôn, xã Mường Và tự may thêu khăn piêu và trang phục truyền thống.

Là thành viên trẻ nhất trong đội văn nghệ bản Cang Ôn, em Mòng Thị Nang, chia sẻ: Từ khi còn bé em đã được bà và mẹ dạy điệu múa Au Eo. Hiện nay, em cùng các thành viên trong đội văn nghệ bản truyền dạy cho các bạn trẻ trong bản để ngày càng có nhiều người biết múa điệu múa truyền thống, hát được dân ca của dân tộc Khơ Mú.

Bằng nhiều cách gìn giữ nét văn hóa truyền thống, cùng với ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, tin tưởng rằng những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc Khơ Mú nơi đây sẽ tiếp tục được bảo tồn, sống mãi với thời gian.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới