Chương trình mục tiêu quốc gia - động lực phát triển

Triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Sơn La, đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; diện mạo nông thôn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới khởi sắc.

Trung tâm huyện Sốp Cộp.

Cụ thể hóa các cơ chế, chính sách

Năm 2023, tổng vốn ngân sách nhà nước giao thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tại tỉnh Sơn La hơn 3.219 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư công hơn 1.770 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 1.449 tỷ đồng. Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh và các quy định của pháp luật hiện hành…

Bà Hà Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Năm 2023, Cơ quan tham mưu đã trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La; quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, đề xuất, trình HĐND tỉnh điều chỉnh, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 thực hiện các CTMTQG; ban hành nghị quyết về việc bổ sung thông tin danh mục dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 và năm 2023 vốn ngân sách Trung ương thực hiện các CTMTQG...

Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành các quyết định quy định về định mức đất sản xuất thực hiện Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; quy định việc quản lý, vận hành công trình; quy trình bảo trì, mức chi phí bảo trì công trình đối với các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc CTMTQG trên địa bàn tỉnh.

Đến 31/1/2024, toàn tỉnh giải ngân vốn của các CTMTQG đạt trên 2.000 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư công đạt 92% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 28% kế hoạch.

Khởi sắc vùng nông thôn

Trung tâm xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu.

Lóng Phiêng là xã biên giới của huyện Yên Châu, từ khi thụ hưởng nguồn vốn đầu tư của 3 CTMTQG, kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay. Đặc biệt cuối năm 2023, xã Lóng Phiêng được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, phấn khởi: Nguồn vốn từ các CTMTQG đã đầu tư cho xã trên 58 tỷ đồng, cùng với nhân dân đóng góp gần 9 tỷ đồng, xã hoàn thành xây dựng gần 17 km đường giao thông nông thôn; 52,5 km đường trục chính nội đồng; mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế như mận hậu, nhãn… Diện tích cây ăn quả của xã đạt trên 1.483 ha; diện tích cho thu hoạch trên 1.068 ha, giá trị trung bình đạt 181 triệu đồng/ha. 94,5% số lao động trong xã có việc làm thường xuyên; 100% số hộ được sử dụng điện thường xuyên, an toàn; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12%...

Thi công tuyến đường Sam Kha - Mường Lèo, huyện Sốp Cộp.

Còn tại huyện Sốp Cộp là huyện biên giới nghèo của tỉnh, có 8 xã, 106 bản, trên 11.780 hộ, dân số hơn 53.100 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 96.91%. Từ nguồn vốn các CTMTQG, huyện tập trung thực hiện các dự án liên quan đến giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, giáo dục đào tạo, bảo tồn văn hóa, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới và công tác truyền thông.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp, cho biết: Năm 2023, huyện Sốp Cộp được giao gần 250 tỷ đồng từ các CTMTQG, đã giải ngân hơn 194 tỷ đồng, xây dựng 1 tuyến đường liên xã; hỗ trợ xóa 7 nhà tạm. Cấp 271 téc, bồn chứa nước cho hộ nghèo có khó khăn về nước sinh hoạt 8 xã; đầu tư 7 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 300 triệu đồng mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao 6 nhà văn hóa; đầu tư 350 triệu đồng mua sắm, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã; hỗ trợ 178 triệu đồng phát triển du lịch nông thôn…

Đến nay, huyện Sốp Cộp có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm 4%-5%. Tất cả trụ sở làm việc, nhà văn hóa các xã, trường học, trạm y tế trên được xây dựng kiên cố, khang trang. 100% số bản được sử dụng điện lưới quốc gia; hơn 90% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; đường đến trung tâm 8 xã được cứng hóa đi được cả bốn mùa...

Trung tâm huyện Quỳnh Nhai hôm nay.

Huyện Quỳnh Nhai phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025. Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Năm 2023, huyện được giao hơn 182 tỷ đồng của 3 CTMTQG, đã giải ngân thanh toán hơn 100 tỷ đồng. Đến nay, huyện có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; còn 4 xã: Mường Sại, Nậm Ét, Cà Nàng và Chiềng Khay đã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Huyện đạt 19/36 chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,62%. Tỷ lệ bản có đường giao thông đến trung tâm được cứng hóa đạt 98,06%…

Hơn 2 năm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về các CTMTQG đã tạo động lực cho tỉnh Sơn La hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 20.722 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho 30 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số đạt 21,68 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, còn 14,41%; 97,55% số xã và 72,81% số bản có đường ô tô đến trung tâm; 72,1% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 94,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97,5% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nông thôn mới toàn tỉnh khởi sắc, 65 xã đạt chuẩn NTM; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Quỳnh Nhai đạt 19/36 chỉ tiêu theo bộ tiêu chí huyện nông thôn mới; 16 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Đẩy mạnh triển khai các CTMTQG

Quá trình triển khai 3 CTMTQG, còn rất nhiều nội dung vướng mắc trong tổ chức, thực hiện liên quan đến dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ theo quy định của Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Theo đó, Chính phủ mới chỉ quy định HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất của 1 dự án; không giao cho địa phương quy định mức hỗ trợ đến hộ và đối tượng thụ hưởng tham gia chuỗi liên kết, dự án, phương án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và hỗ trợ giao nhiệm vụ; nhiều điều, khoản của Nghị định số 38/2023/NĐ-CP quy định còn mâu thuẫn, dẫn đến rất dễ bị trục lợi chính sách; dễ để xảy ra sai phạm, các địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện…

Cầu vào bản Nậm Pù, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 1719.

Năm 2024, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 3 CTMTQG của tỉnh hơn 3.454 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2023 chuyển nguồn sang là gần 1.192 tỷ đồng. Khắc phục khó khăn, Ban Chỉ đạo các CTMTQG tỉnh tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của các CTMTQG.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai đồng bộ và có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của CTMTQG và các chương trình, đề án, dự án có liên quan. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phổ biến pháp luật, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện...

Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đảm bảo đủ các thủ tục, điều kiện triển khai thực hiện, giải ngân vốn của dự án; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án bảo đảm tính khả thi. Cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các CTMTQG đảm bảo thường xuyên, liên tục...

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới