Bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc

Để tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số không bị mai một, thời gian qua, huyện Mường La đã quan tâm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân, triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tiếng nói và chữ viết của các dân tộc.

Hát các làn điệu dân ca Thái tại lễ hội Nàng Han, xã Mường Trai, huyện Mường La.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường La, cho biết: Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về bảo tồn tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, huyện đã triển khai kế hoạch phát động giải thưởng với chủ đề “Sưu tầm - nghiên cứu - bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường La”... Các cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang của huyện được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc do tỉnh, huyện tổ chức, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, huyện khuyến khích lưu truyền tiếng dân tộc thiểu số bằng các hình thức truyền dạy trong các gia đình sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp cộng đồng, trong giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy qua các bài hát, làn điệu dân ca, trò chơi dân gian...

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm Truyền thông-Văn hóa huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phát sóng các chương trình trên sóng của truyền thanh, truyền hình huyện, thực hiện phát 3 chương trình/tuần, mỗi chương trình phát 3 lần (sáng, trưa, tối), thời lượng phát sóng 20 phút/lần.

Bà Đỗ Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện, thông tin: Khi xây dựng các nội dung tuyên truyền trên sóng truyền thanh, truyền hình huyện, chúng tôi đã xây dựng song song các chương trình tiếng Thái và được chuyển tiếp, phát sóng đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Cùng với đó, phát hành văn hóa phẩm bằng chữ viết của dân tộc thiểu số và bằng song ngữ (Tiếng Việt - Tiếng dân tộc thiểu số); các văn hóa phẩm phục vụ việc nghiên cứu, sưu tầm các tác phẩm văn hóa dân tộc thiểu số của nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, huyện cũng đã xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho người học, người truyền dạy tiếng dân tộc thiểu số, khuyến khích các lớp học tiếng dân tộc lồng ghép với sinh hoạt của đội văn nghệ, thông qua lời ca tiếng hát, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người học, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, từng bước hình thành các sản phẩm du lịch cộng đồng, góp phần tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các dân tộc thiểu số. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 2 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, tham gia sáng tác và lưu truyền hàng trăm tác phẩm thơ, nhạc, các làn điệu dân ca, bài cúng, bài mo..., đa số các tác phẩm được viết bằng song ngữ Tiếng Việt - Tiếng Thái.

Dành nhiều thời gian cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, lưu trữ, truyền dạy văn hóa dân tộc Thái, Nghệ nhân ưu tú Cầm Vui, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chia sẻ: Để lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau về những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Thái, tôi đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác các bài hát bằng tiếng Thái. Đến nay, đã sáng tác được 350 bài hát ở nhiều chủ đề khác nhau; phổ biến 28 truyện thơ, trường ca bằng tiếng Thái cổ; soạn thảo văn bản, thơ ca bằng chữ Thái cổ. Nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, thực hành, phổ biến và truyền dạy sử dụng các loại nhạc cụ, bài hát dân ca; sưu tầm, khảo tả, lưu giữ, thực hành và phổ biến cách thức tổ chức 9 lễ hội của dân tộc Thái...

Bảo tồn văn hóa các dân tộc, huyện Mường La tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng; chú trọng công tác bảo tồn, phát huy, phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; sưu tầm, biên dịch các tác phẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành động của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc.

Bài, ảnh: Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới