Phòng chống dịch, bệnh mùa hè

LTS: Mùa hè thường phát sinh một số dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, nhất là với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Để bạn đọc có thêm thông tin về các loại bệnh và cách phòng tránh dịch bệnh mùa hè, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Hồng Trường, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Giọng nữ
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu trao đổi công tác phòng, chống dịch bệnh tại xã Tông Cọ.                   Ảnh: Trường Sơn

PV: Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và các bệnh thường phát sinh trong mùa hè?

Bác sĩ Lê Hồng Trường: Mùa hè có khí hậu nóng ẩm, là môi trường cho các loài vi khuẩn, vi rút, nấm... phát triển để gây bệnh. Hơn nữa, nắng, nóng gây tình trạng mất nước, suy giảm sức đề kháng của cơ thể, nên dễ mắc bệnh hơn, nhất là người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, tập quán ăn, uống không hợp vệ sinh, hay vệ sinh môi trường không tốt cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm. Các dịch, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể bùng phát trong mùa hè, đó là sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm não nhật bản, bệnh dại, đau mắt đỏ...

5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận các dịch bệnh truyền nhiễm, như sốt xuất huyết, thủy đậu, tay chân miệng, đau mắt đỏ, tiêu chảy; trong đó, 62.185 ca cúm, 33.451 ca tiêu chảy, 3.614 ca thủy đậu... Tuy nhiên, các địa phương đã chủ động nhiều giải pháp ứng phó, nên các vụ dịch xảy ra được phát hiện sớm và xử lý kịp thời, không để lan rộng và kéo dài, hạn chế ca diễn biến nặng và tử vong.

PV: Ngành Y tế đã triển khai những biện pháp gì để hạn chế dịch bệnh trong mùa hè, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Lê Hồng Trường: Ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh hằng năm; trong đó có phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở y tế, các bệnh viện trong toàn tỉnh đẩy mạnh công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh có thể bùng phát trong mùa hè. Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ ở những vùng nguy cơ cao. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về các dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát trong mùa hè, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng ngừa, cũng như khai báo tình hình dịch bệnh, để có biện pháp khống chế và điều trị kịp thời. Tiến hành khoanh vùng, phát hiện sớm các điểm có nguy cơ cao, các điểm thường xảy ra dịch, để chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống trước khi dịch bùng phát. Chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tăng cường tập huấn kiến thức cho các đối tượng tham gia chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm. Phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, công an và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm.

Chỉ đạo các đơn vị y tế phân công trực dịch 24/24 giờ; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế để đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra. Củng cố đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị y tế dự phòng trong cấp cứu sốc khi tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung. Chỉ đạo các bệnh viện củng cố khu điều trị cách ly tại khoa truyền nhiễm; tổ công tác xã hội của các bệnh viện tăng cường nhân lực, bố trí bảo vệ để hướng dẫn người nhà, người bệnh tuân thủ các quy định về cách ly.

PV: Xin bác sĩ cho biết, ngành Y tế triển khai những biện pháp phòng, chống dịch trong mùa hè năm nay?

Bác sĩ Lê Hồng Trường: Ngành tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Có phương án cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình dịch bệnh và tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng bệnh. Tổ chức thu dung, cách ly, điều trị tích cực, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về các biện pháp phòng lây nhiễm cho bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè, như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống sôi; phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng. Xây dựng các sản phẩm, thông điệp truyền thông về các biện pháp phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của địa phương, với nhiều hình thức như họp bản, tiểu khu, tổ dân phố; tập huấn, hướng dẫn trực tiếp; phát tờ rơi; phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, bản, tiểu khu. Rà soát, đảm bảo công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực trong giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh, tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực và chăm sóc người mắc bệnh cho cán bộ y tế cơ sở.

PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân để phòng bệnh mùa hè?

Bác sĩ Lê Hồng Trường: Đối với trẻ trong độ tuổi tiêm chủng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo trẻ được tiêm đúng mũi, đủ liều. Không sử dụng những thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện ăn chín uống sôi, sinh hoạt hợp vệ sinh. Lật, úp các vật dụng chứa nước không cần thiết để diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Khi phát hiện trong cộng đồng có nhiều người cùng mắc một bệnh, cần khai báo, thông tin cho cơ sở y tế trong thời gian sớm nhất.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Hồng Luận (thực hiện)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới