Lợi ích của tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân

LTS: “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” là chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam năm nay. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Đồng thời, giúp phát hiện và điều trị sớm một số bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản sau này; mang lại lợi ích lớn về sức khỏe sinh sản nói riêng và cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống vợ chồng nói chung. Để bạn đọc hiểu thêm về nội dung này, phóng viên Báo Sơn La đã phỏng vấn ông Đinh Anh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

Nhân viên y tế Trường PTDT nội trú tỉnh tuyên truyền công tác dân số cho học sinh.

PV: Xin ông cho biết, khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì, đối tượng khám và thực hiện khám như thế nào?

Ông Đinh Tuấn Anh: Khám sức khỏe tiền hôn nhân là dịch vụ khám sức khỏe tổng quát về vấn đề sức khỏe sinh sản. Đối tượng khám tiền hôn nhân bao gồm cả nam và nữ có khả năng sinh sản. Thông thường, trước khi kết hôn khoảng từ 3 - 6 tháng, các cặp đôi nên khám sức khỏe sinh sản. Nhất là những trường hợp muốn sinh con ngay sau khi kết hôn nên khám sức khỏe tiền hôn nhân và tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai. Trường hợp chưa có kế hoạch kết hôn vẫn có thể đi khám để nắm rõ các vấn đề sức khỏe của bản thân. Điều này sẽ chủ động điều chỉnh lối sống càng sớm càng tốt nếu có vấn đề gì xảy ra.

Các trường hợp khám sức khỏe tiền hôn nhân thực hiện khám sức khỏe tổng quát và khám sức khỏe sinh sản. Theo đó, khám và kiểm tra tổng quát về đo huyết áp, cân nặng, xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, chụp X-quang. Khám các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, giang mai, lậu, viêm gan B. Kiểm tra cả nam và nữ về những bất thường nhóm máu; khám sàng lọc di truyền, bất thường gen và những kiểm tra khác nếu có nhu cầu. Kiểm tra các bệnh có khả năng ảnh hưởng đến sinh sản như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp... Đồng thời, kiểm tra sức khỏe sinh sản đối với cả nam và nữ.

PV: Những lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì, thưa ông?

Ông Đinh Tuấn Anh: Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại nhiều lợi ích. Trong đó, lợi ích lớn nhất là giúp đánh giá sức khỏe tổng quát và sức khỏe sinh sản của các cặp đôi trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Từ đó, bác sĩ cũng có thể phát hiện sớm các bệnh lý di truyền để đưa ra lời khuyên giá trị, giúp các cặp đôi có biện pháp điều chỉnh sức khỏe. Khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng giúp các cặp đôi chuẩn bị tốt tâm lý cho đời sống vợ chồng, chuyện sinh con, khắc phục và điều trị sớm các nguy cơ bệnh tật về sinh dục và sinh sản. Đây là yếu tố quan trọng để bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các cặp đôi còn được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề về sức khỏe sinh sản, về sức khỏe mãn tính... Ngoài ra, bác sĩ còn đưa nhiều lời khuyên hữu ích về một số vấn đề để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi, cải thiện sức khỏe... Đồng thời, được hướng dẫn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp nhất, kiểm soát việc mang thai và sinh nở, tránh tình trạng nạo phá thai do mang thai ngoài ý muốn.

PV: Xin ông cho biết, việc tổ chức khám sức khỏe tiền hôn nhân trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua được thực hiện ra sao?

Ông Đinh Tuấn Anh: Hằng năm, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các xã, phường, thị trấn tuyên truyền đến nhân dân, bằng nhiều hình thức. Trong đó, lồng ghép trong cuộc họp của các tổ chức đoàn thể xã, bản, các cuộc họp bản... Tại trạm y tế các xã, phường, thị trấn, tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân khi đến khám, chữa bệnh..., nội dung chủ yếu về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, để mọi người hiểu rõ, đây là một trong những hình thức sàng lọc đầu tiên và là tiền đề quan trọng giúp tạo dựng một cuộc sống gia đình vững bền, hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2023, trên địa bàn tỉnh ta, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân đã có tín hiệu mừng, đó là tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn khoảng 13%, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,5% so với kế hoạch Tổng cục Dân số -KHHGĐ giao. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn quá khiêm tốn so với số cặp đôi kết hôn.

PV: Những giải pháp để tăng tỷ lệ nam, nữ thanh niên thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, thưa ông?

Ông Đinh Tuấn Anh: Theo tôi, để tăng tỷ lệ này, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, từ đó vận động con, cháu trong độ tuổi kết hôn thực hiện khám sức khỏe trước khi hôn nhân. Riêng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chỉ đạo trạm y tế các xã tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân khi đến khám bệnh tại trạm. Lồng ghép tư vấn tại các cuộc sinh hoạt cộng đồng, các dòng họ, cuộc họp các tổ, bản, tiểu khu... Giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện theo quy định để được tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Hồng Luận (Thực hiện)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới