Kết hợp giữa nhiệm vụ quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội

Đứng chân trên địa bàn huyện Sốp Cộp, huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, những năm qua, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 luôn thực hiện hiệu quả công tác dân vận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Giọng nữ
Cán bộ Đoàn 326 giới thiệu mô hình trồng nhãn đa thân cho các già làng, trưởng bản ở huyện Sốp Cộp.

Những ngày đầu vượt khó

Được thành lập từ tháng 6/2002, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 326 (Đoàn 326) có nhiệm vụ xây dựng các khu vực kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn vùng sâu, vùng xa dọc tuyến biên giới phía Tây Bắc, thuộc hai tỉnh Sơn La, Điện Biên. Đứng chân trên địa bàn xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, thời điểm đó, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, dân trí không đều; hầu hết các bản chưa có đảng viên; tỷ lệ hộ đói, nghèo ở mức cao...

Đại tá Trần Quốc Trị, Chính ủy Đoàn 326, chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân ổn định đời sống vật chất, tinh thần; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, dân vận, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh; ổn định dân cư, bảo vệ môi trường, sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành các nhiệm vụ cấp trên giao.

Chỉ trong 3 năm đầu, hiệu quả công tác và mục tiêu “4 tăng, 3 giảm” (4 tăng: Tăng dân trí; tăng đời sống vật chất, tinh thần văn hóa xã hội; tăng cường giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở. 3 giảm: Giảm tai tệ nạn xã hội; giảm di dịch cư tự do; giảm tỷ lệ đói nghèo) của các đoàn sản xuất và đội sản xuất nâng lên rõ rệt; tình hình địa bàn cũng dần ổn định, không còn phức tạp như trước.

Toàn đơn vị đã tổ chức hàng nghìn buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn mà họ đang gặp phải; lập kế hoạch thực hiện các phần việc phù hợp cho nhân dân học tập, làm theo để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cán bộ Đoàn 326 hướng dẫn nhân dân bản Phổng, xã Nậm Lạnh, kỹ thuật chăm sóc cam.

“Dân vận khéo” giúp nhân dân thoát nghèo

Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn 326 xác định nhiệm vụ cấp bách là phải nhanh chóng giúp nhân dân thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, sản xuất để ổn định, nâng cao đời sống. Cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã đến với nhân dân bắt đầu những việc làm nhỏ và thiết thực nhất, như tự học và hiểu ngôn ngữ, đến việc trồng ngô, trồng lúa nước để bà con tin và làm theo. Vốn chỉ quen với lối du canh, du cư, khi bộ đội trồng được ngô, rau, cấy lúa nước, nhân dân các bản rất vui mừng; các bãi đất bỏ hoang bao đời bắt đầu hiện lên những sắc xanh của ngô, lúa, sắn, khoai, dong riềng… Vụ đầu tiên thu hoạch, ngoài phần dự trữ của đơn vị, bộ đội mang chia hết cho các hộ dân của mấy bản gần đơn vị. Từ đó, đồng bào bảo nhau học cách làm của bộ đội để tìm thấy “cái no” ngay trên những mảnh đất hoang hóa của gia đình.

Đã từng đi đến các xã vùng cao, vùng sâu của huyện Sốp Cộp, nhưng chúng tôi rất ấn tượng về công tác dân vận của Đội 7 thuộc Đoàn 326. Đội được giao nhiệm vụ phụ trách 6 bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Lèo. Trước đây, đường lên các bản đều khó khăn, 100% hộ nghèo, nhiều người nghiện hút, tham gia buôn bán ma túy.

Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, cán bộ Đội 7 đã hướng dẫn được các hộ dân làm ruộng nước, hạn chế phá rừng làm nương, nhà nào cũng có vườn rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm; tỷ lệ hộ nghèo, tệ nạn xã hội của các bản giảm theo từng năm, xóa được các bản “trắng” đảng viên.

Anh Giàng A Dệnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Sam Quảng, chia sẻ: Có Đội 7 giúp đỡ, Chi bộ bản được thành lập với 8 đảng viên. Đảng viên và bà con trong bản ai cũng cố gắng làm theo hướng dẫn của bộ đội. Bây giờ, người dân đã biết cái chữ, biết cách làm ăn, bản không còn người nghiện.

20 năm trước, xã Mường Và có số hộ nghèo và tỷ lệ mù chữ cao, kinh tế lạc hậu, giao thông cách trở... Chị Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Đoàn 326 đã triển khai nhiều dự án, mô hình, công trình cho nhân dân trong xã. Tiêu biểu có các công trình thủy lợi bản Ban, đường điện Mường Và - Mường Lạn, mô hình xóa đói, giảm nghèo cho 35 hộ nuôi bò sinh sản, công trình nước sạch bản Huổi Vèn; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cá, trâu, dê cho 71 hộ dân trên địa bàn xã... với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Những phần việc đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2-3%/năm; đến nay, xã còn 34% hộ nghèo.

Kết quả nổi bật của Đoàn 326 là thực hiện các công trình dự án kinh tế - quốc phòng lồng ghép với các chương trình dự án của địa phương, giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo. Từ ngày thành lập đến nay, Đoàn 326 đã đóng góp hàng vạn ngày công cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, phòng, chống dịch bệnh, làm đường, làm mương, phai thủy lợi phục vụ sản xuất. Trực tiếp giúp, đỡ đầu 451 hộ thoát nghèo, giúp vật tư, cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho địa phương... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo 4-5%/năm; thực hiện tốt quân dân y kết hợp với khám chữa bệnh cho nhân dân, tặng quà trị giá trên 7 tỷ đồng.

Cán bộ Đội 1, Đoàn 326 hướng dẫn nhân dân bản Cống, xã Mường Lạn chăm sóc dứa Queen.

Chung sức xây dựng vùng biên giới phát triển

Trong suốt 22 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân các dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 326 đã áp dụng nhiều mô hình trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm cho cuộc sống của nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn ngày một phát triển; biến vùng đất nghèo biên giới vững về chính trị, mạnh về quốc phòng, an ninh, kinh tế ngày càng phát triển.

5 năm gần đây, Đoàn đã giúp đỡ các địa phương xây dựng nhà bếp, nhà ăn bán trú, nước sạch trị giá hàng tỷ đồng. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương hoàn thành tốt các công trình dự án kinh tế - quốc phòng trị giá trên 240 tỷ đồng, bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Đoàn 326 phối hợp tổ chức cho lực lượng tri thức trẻ tình nguyện tham gia có hiệu quả hoạt động văn hóa, xã hội, xây dựng và củng cố cơ sở hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tham mưu với cấp ủy cơ sở bồi dưỡng, kết nạp trên 500 đảng viên mới, góp phần xóa 13 bản trắng đảng viên; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của 409 tổ chức đảng, mặt trận, đoàn thể trong vùng dự án.

Mô hình nuôi bò của Đội 2, Đoàn 326 ở bản Mường Và, xã Mường Và.

Đồng chí Quàng Văn Tiêu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sốp Cộp, đánh giá: Từ một địa phương có nhiều “không”, đến nay, từ trung tâm huyện đến 8 xã đã có đường ô tô đi được 4 mùa; tỷ lệ hộ được sử dụng điện là 97,5%; tỷ lệ hộ được sử dụng điện an toàn 93,32%. Đã có 2 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới (giai đoạn 2015-2020). Các chính sách an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo được triển khai kịp thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 30%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; có 12/21 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100% kế hoạch giao. Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng toàn diện, toàn huyện có 41 chi, đảng bộ cơ sở, với 4.022 đảng viên... Kết quả này có sự đóng góp tích cực của Đoàn 326.

Công tác dân vận của Đoàn 326 ở huyện Sốp Cộp là một minh chứng rõ ràng cho thấy hiệu quả và ý nghĩa của việc kết hợp giữa nhiệm vụ quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội. Những nỗ lực không ngừng của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 326 đã góp phần làm thay đổi diện mạo của huyện biên giới Sốp Cộp, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, quân đội, mang lại bình yên và phát triển trên dải đất biên cương.

Bài, ảnh: Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới