Luật Đất đai sửa đổi và những tác động khi có hiệu lực

Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 260 điều được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội Khóa XV, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, đảm bảo về nội dung, lộ trình thực hiện. Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La.

PV: Thưa ông! Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành. Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có những điểm gì mới ?

Ông Nguyễn Tiến Dương: Luật Đất đai (sửa đổi) đã đánh dấu những đổi mới mang tính đột phá về chính sách, pháp luật đất đai, thể chế 5 quan điểm, 3 mục tiêu, 6 nhóm giải pháp, 8 chính sách lớn đã được định hướng theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, với 16 chương, 260 điều. Trong đó, sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.

Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới quan trọng, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tăng cường công khai, minh bạch; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Quy định cụ thể hơn về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng quy định. Hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định mức thuế cao hơn với người có nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng, bỏ đất hoang; mở rộng đối tượng sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản; quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích.

Đặc biệt, bảng giá đất được cập nhật hằng năm; quy định việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; cấp sổ đỏ cho đất không có giấy tờ và không vi phạm pháp luật về đất đai; quy định cụ thể trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo lĩnh vực đất đai; nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai.

Vùng trà nguyên liệu  của Công ty TNHH Trà Thu Đan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu.

PV: Xin ông cho biết, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông đánh giá, Luật Đất đai được sửa đổi lần này có tác động như thế nào đến công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Sơn La ?

Ông Nguyễn Tiến Dương: Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.

So với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều quy định mới, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc, khó khăn, bất cập… liên quan đến chính sách đất đai hiện nay cho các địa phương, trong đó có tỉnh Sơn La. Có thể kể đến như: Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện, đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá, đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương.

Liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thu hồi đất, với sự tham gia của người dân ngay từ đầu; việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền. Các bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất bị thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi đất...

Đặc biệt, đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương, góp phần phát huy nguồn lực từ đất đai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Một góc Thảo Nguyên Resort trên cao nguyên Mộc Châu. 

 PV: Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào cuộc sống, tỉnh Sơn La dự kiến triển khai các hoạt động như thế nào, đặc biệt là công tác tham mưu, xây dựng văn bản pháp luật? Thưa ông!

Ông Nguyễn Tiến Dương: Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 nội dung giao địa phương quy định chi tiết, gồm: 1 nội dung do HĐND tỉnh và 15 nội dung do UBND tỉnh ban hành. Để chuẩn bị các điều kiện đưa Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, các huyện, thành phố.

Theo đó, sẽ giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ngành thực hiện quy trình xây dựng văn bản pháp luật và ban hành ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật để trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 31/3/2024.

Mô hình Khu đô thị Elite Hill Sơn La, Thành phố. 

Về công tác tập huấn, tuyên truyền Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến, sẽ tập huấn, tuyên truyền đến UBND và cán bộ làm công tác quản lý đất đai các cấp; truyền thông chính sách cho người dân, doanh nghiệp hiểu các quy định mới của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Trong đó, có xây dựng các chương trình, hội thảo chuyên đề, tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia về lĩnh vực đất đai của các trường đại học, các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức truyền tải toàn bộ các nội dung, quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) đến nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi) kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo phù hợp quy định của Luật và thực tiễn địa phương.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tập trung lấy ý kiến từ các địa phương, xây dựng báo cáo góp ý vào dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tại tỉnh Tuyên Quang trong tháng 3 tới.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới