Đổi thay Hồng Ngài

Hồng Ngài là một trong những vùng đất giàu truyền thống cách mạng của huyện Bắc Yên, địa danh trong tác phẩm nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Vùng đất gian khó ngày nào, nay đã được “thay da, đổi thịt” với nhiều công trình dân sinh được đầu tư xây dựng, những ngôi nhà mới khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên.

Giọng nữ
Nông dân xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên áp dụng kỹ thuật phủ bạt gốc cây, nâng cao năng suất cho cây mận hậu.

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh xã, anh Lầu A Tủa, Chủ tịch UBND xã khoe: Nhắc đến Hồng Ngài, nhiều người nhớ ngay đến hang A Phủ. Năm 2020, di tích Hang A Phủ được huyện Bắc Yên quy hoạch xây dựng quy mô trên 30 ha, gồm các phân khu chức năng: Khu di tích Hang A Phủ; dịch vụ du lịch, đón tiếp hướng dẫn, cung cấp thông tin, giao lưu văn hóa - thương mại; lưu trú du lịch với các homestay của người dân địa phương; các điểm cắm trại, trồng rừng; vệ sinh công cộng, bến bãi, đầu mối giao thông, hạ tầng… Bà con mong muốn, khi công trình hoàn thành sẽ tạo điểm đến trong chuyến hành trình về di tích lịch sử, thăm chiến trường xưa, xây dựng khu di tích thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Theo lịch sử của địa phương, hang A Phủ có tên gọi hang Thẳm Cốp, theo tiếng dân tộc Thái nghĩa là hang Ếch. Hang A Phủ nằm trong khu căn cứ kháng chiến 99, gồm các xã: Song Pe, Hang Chú, Tà Xùa, Xím Vàng, Làng Chếu, Pắc Ngà, Chim Vàn, Hồng Ngài. Do nằm xa trung tâm huyện, địa hình phức tạp, rừng rậm bao quanh, nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nơi đây được Đại đội Quân báo thuộc Bộ Tổng tham mưu chọn đóng quân và cất giữ vũ khí để tìm cách vượt sông Đà, chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Thời gian đó, Chi bộ Pắc Pắc, huyện Bắc Yên, đã vận động nhân dân tích cực đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi giấu chiến sĩ, đảm bảo an toàn, bí mật.

Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Hồng Ngài tiếp tục góp sức người, sức của vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Động viên hàng trăm con, em lên đường vào Nam chiến đấu, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ nước bạn Lào đến ngày thắng lợi... Tháng 10/2005, Hồng Ngài được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”.

Giờ đây, cuộc sống của nhân dân Hồng Ngài đã khác trước, không còn hộ thiếu ăn, trẻ em được học hành đầy đủ, an ninh trật tự giữ vững. Chính quyền địa phương luôn xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, xã xây dựng kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các bản bổ sung vào hương ước, quy ước những nội dung: Không được phá rừng đầu nguồn, không làm nương ngô lên tận đỉnh núi, khuyến khích bà con chuyển hướng sang mô hình trang trại, khoanh vùng nuôi gia súc, gia cầm...

Hồng Ngài có 5.639 ha đất tự nhiên, 852 hộ và 4.737 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống ở 5 bản, trong đó, 82% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2024, toàn xã gieo trồng trên 1.484 ha cây lương thực, đã chuyển đổi trên 90 ha đất dốc sang trồng cây ăn quả. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, trên 5.200 con gia súc, gần 16.000 con gia cầm. Bà con trồng trên 20 ha cỏ voi, tạo nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi; nuôi cá trên diện tích 15 ha, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Minh chứng về sự đổi thay, Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi thăm các mô hình làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu, mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Thào A Su, bản Suối Háo, được bà con trong xã đến tham quan, học tập về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và kinh nghiệm mua cây giống.

Anh Su kể: Cuộc sống ngày trước quá vất vả, một năm đến vài tháng thiếu ăn. Năm 2018, được cán bộ xã, huyện tuyên truyền về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm trồng cây ở các HTX của xã Song Pe, Phiêng Ban và tìm hiểu qua báo chí, xem ti vi để áp dụng vào trồng 1 ha mận hậu của gia đình. Năm 2021, vườn mận ra quả bói, thu 6 triệu đồng. Từ các năm sau, tôi bắt đầu mở rộng quy mô vườn cây từ 1 ha mận lên 5 ha với nhiều loại cây ăn quả khác, như: bưởi, chanh, ổi và măng bát độ. Đến nay, vườn cây ăn quả của gia đình cho thu trên 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức chăn nuôi của bà con cũng thay đổi. Anh Giàng A Gang, bản Hồng Ngài, cho biết: Cán bộ xã, thường xuyên xuống hướng dẫn người dân làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh; phun khử khuẩn chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi. Tôi đã xây dựng chuồng nuôi 100 con lợn kiên cố, có hệ thống xử lý nước thải. Trung bình xuất bán 2 lần/năm, thu lãi gần 200 triệu đồng.

Từ một vùng quê nghèo khó, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cùng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân làm cho Hồng Ngài đổi thay. Kết quả đó là động lực để nhân dân quê hương “Vợ chồng A Phủ” tiếp tục chung sức, đồng lòng, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới