Cuộc sống trên các vùng quê tái định cư Mường La

Hơn 17 năm năm qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, trên những vùng quê mới tái định cư ở huyện Mường La, đồng bào các dân tộc nơi đây luôn cần cù chịu khó lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Người dân bản Khâu Ban, xã Mường Trai, huyện Mường La trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Nhớ lại thời gian thực hiện nhiệm vụ di dân phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La, đồng chí Lò Văn Tưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường La, chia sẻ: Đầu tháng 10/2005, chiến dịch 60 ngày đêm di chuyển dân TĐC mở đầu cho cuộc đại di dân, huyện Mường La như công trường lớn, xe vận chuyển chạy suốt ngày đêm để kịp tiến độ di chuyển dân. Với sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đến năm 2010, huyện hoàn thành di chuyển 3.527 hộ đến TĐC tại 49 điểm TĐC tại các xã Mường Trai, Mường Chùm, Nậm Giôn, Chiềng Lao, Hua Trai, Mường Bú, Pi Toong, đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng công trường thủy điện Sơn La và giải phóng vùng lòng hồ tích nước.

Mường La tập trung giao hơn 16.100 ha đất sản xuất cho các hộ dân TĐC; thực hiện đầy đủ các chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định; tranh thủ các nguồn vốn thuộc Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ để ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Từ năm 2012 đến nay, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới 35 công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất, tổng giá trị hơn 115,5 tỷ đồng. Trong đó, có những công trình: Hồ chứa nước bản Cuông Mường, xã Mường Chùm; công trình thủy lợi bản Hua Bó, xã Mường Bú...

Bên cạnh đó, huyện cũng đã nghiên cứu tiềm năng, lợi thế phù hợp với từng địa bàn TĐC để định hướng cho người dân phát triển kinh tế. Đối với các xã có đất đồi, nương tập trung trồng cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc nhốt chuồng; các xã ven lòng hồ nuôi cá lồng, nuôi thủy cầm, trồng sắn cao sản, chuối xuất khẩu... Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp, đào tạo nghề cho các hộ dân TĐC, góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Từ năm 2010 đến nay, các điểm TĐC trên địa bàn huyện đã triển khai hơn 30 mô hình trồng cây ăn quả, quy mô 50 ha; 12 mô hình nuôi cá lồng, quy mô 150 lồng; 5 mô hình chăn nuôi đại gia súc, 8 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... Các điểm TĐC đã có 554 ha cây ăn quả, năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha; trên 12.000 con gia súc, 69.000 con gia cầm; trên 500 lồng cá; 100% số hộ TĐC có nhà ở kiên cố; 98% số hộ TĐC được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7% năm 2021; an ninh trật tự được đảm bảo.

Anh Quàng Văn Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Phiêng Bủng, xã Mường Bú, cho biết: Cuối năm 2005, hơn 140 hộ dân chuyển từ bản Nôm, xã Mường Trai về TĐC. 17 năm trên quê mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên, cuộc sống người dân bản TĐC Phiêng Bủng ngày càng khấm khá, bản chỉ còn 3 hộ nghèo, nhiều hộ có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Các gia đình yên tâm xây dựng cuộc sống trên quê mới.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, anh Quàng Văn Hải, bản TĐC Phiêng Bủng, phấn khởi: Với 1,2 ha cây ăn quả chủ yếu là xoài, nhãn, mít ghép. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn quả các loại, trị giá gần 120 triệu đồng. Ngoài ra, còn xây dựng chuồng trại, nuôi trâu, bò vỗ béo; tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Lò Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Trai, chia sẻ: Xã có gần 400 hộ dân di vén từ dưới cốt ngập 218m lòng hồ thủy điện Sơn La lên điểm TĐC mới. Hiện, xã có 6 bản, hơn 500 hộ, đồng bào dân tộc Thái và La Ha. Xã đã hướng dẫn bà con tập trung chăn nuôi đại gia súc; nuôi trồng thủy sản; phát triển du lịch trải nghiệm lòng hồ, trồng cây ăn quả trên đất dốc... Cuộc sống người dân ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân đạt 33 triệu đồng/người/năm; tháng 12/2019, Mường Trai được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2017, từ nguồn vốn bổ sung sau quyết toán TĐC thủy điện Sơn La, các hộ dân điểm TĐC bản Tà Sài, xã Chiềng Lao được hỗ trợ 30 lồng cá, trị giá 5 triệu đồng/lồng. Năm 2020, các hộ nuôi cá lồng đã liên kết thành lập HTX Bình Minh. Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX, cho biết: Hiện nay, HTX có 9 thành viên, nuôi gần 60 lồng cá các loại, với sản lượng đạt gần 32 tấn cá/năm, giá bán trung bình 75 nghìn đồng/kg, tổng doanh thu gần 2,4 tỷ đồng/năm.

Vượt qua những khó khăn ban đầu, đến nay các điểm TĐC trên địa bàn huyện Mường La có điều kiện phát triển tốt; 100% số hộ TĐC tận dụng tối đa diện tích đất được giao để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tin rằng cuộc sống của người dân các bản, các xã TĐC huyện Mường La sẽ ngày càng đổi thay.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới