OCOP - Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Sau hơn 2 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tỉnh ta đã có 83 sản phẩm OCOP được đánh giá từ 3 sao trở lên; trong đó, 28 sản phẩm đã đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao. Chương trình đã góp phần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thủ công, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ.

 

Đại diện tỉnh Sơn La và Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm OCOP.

 

Chương trình OCOP được tỉnh Sơn La xây dựng với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của từng vùng, hướng đến hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

 

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (2010-2020).

Để thực hiện chương trình, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 583 doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, quả và nuôi thủy sản áp dụng quy trình VietGAP; hỗ trợ xây dựng, duy trì và phát triển 147 chuỗi sản xuất nông nghiệp an toàn, gồm: 21 chuỗi rau, 93 chuỗi quả, 1 chuỗi cà phê, 5 chuỗi chè, 27 chuỗi sản phẩm chăn nuôi và thủy sản an toàn. Hiện, có 18 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu; trong đó, 3 sản phẩm chỉ dẫn địa lý, gồm: Chè Shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, cà phê Sơn La; 13 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể, gồm: Chè Tà Xùa và mật ong Sơn La.

Chương trình OCOP đã và đang hiện thực hóa mục tiêu đảm bảo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp của sản phẩm địa phương, được người tiêu dùng đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Các sở, ngành của tỉnh đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại. Tính trong 2 năm (2019-2020), tỉnh đã tổ chức 5 cuộc xúc tiến thương mại ngoài tỉnh, xây dựng 6 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại Thành phố, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Thuận Châu. Tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại các trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện ích, cửa hàng nông sản sạch.

Ông Phạm Văn Quyết, Giám đốc HTX nông nghiệp Quyết Thanh (Mộc Châu) cho biết: HTX có nhiều sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, như hồng giòn sấy dẻo, mận sấy dẻo, xoài sấy dẻo, chuối sấy dẻo. Từ khi các sản phẩm của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, doanh số bán hàng của HTX tăng trên 50%.

Sản phẩm cà phê của HTX Bích Thao trưng bày tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm 2020 tổ chức tại Hà Nội.

Còn ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao phấn khởi: HTX hiện có 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó, sản phẩm cà phê bột nguyên chất đã được đánh giá xếp loại đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa, 80% các sản phẩm OCOP của HTX phục vụ xuất khẩu ra thị trường Đức, Pháp, Mỹ.

Việc triển khai hiệu quả chương trình OCOP là nền tảng vững chắc để các sản phẩm của Sơn La tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo được các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiến tới chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới