Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã tuyên truyền, vận động nông dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, triển khai các chính sách hỗ trợ vay vốn, tư vấn, dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật phát triển sản xuất, góp phần nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Thuận Châu hướng dẫn hội viên kỹ thuật chăm sóc cây trồng. 

Hội Nông dân huyện có 31.178 hội viên, sinh hoạt tại 29 cơ sở hội. Hàng năm, Hội chỉ đạo các cơ sở hội rà soát, tổng hợp nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tập trung triển khai hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, đến hết tháng 1, Hội quản lý trên 10,7 tỷ đồng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, cho hàng trăm lượt hội viên vay vốn; nhận ủy thác trên 423 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho 6.224 lượt gia đình hội viên vay phát triển sản xuất.

Năm 2022, Hội đã phối hợp với các công ty cung ứng 230 tấn phân bón cho nông dân các xã: Phổng Lập, Mường Khiêng, Bản Lầm, Muổi Nọi, với hình thức trả chậm. Vận động, hướng dẫn nông dân thành lập 1 HTX nông nghiệp, 4 chi hội nông dân nghề nghiệp và 24 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Qua đó, tạo sự liên kết trong sản xuất, cũng như mở rộng quy mô sản xuất.

Hội Nông dân huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức từ 15-20 lớp chuyển giao kỹ thuật sản xuất, ứng dụng công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP cho gần 1.000 hội viên. Tuyên truyền, vận động hơn 200 hội viên đăng ký các lớp đào tạo nghề ngắn hạn do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Đến nay, đã xây dựng được 52 mô hình chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao, như nuôi bò sinh sản, nuôi cá lồng, nuôi gà đen, lợn bản, nuôi thỏ, vịt địa phương, trồng na Thái,  bí đao...

Anh Lường Văn Quảng, Chi hội nông dân bản Lạnh, xã Tông Lạnh, cho biết: Gia đình tôi có 1 ha trồng ổi, mít Thái, bơ... Tôi đã sử dụng phân hữu cơ bón cho cây để làm tơi xốp, tăng độ phì nhiêu của đất và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên năng suất, chất lượng sản phẩm đạt cao. Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 3 tấn ổi, 6 tấn bơ, trừ chi phí thu hơn 100 triệu đồng. Gia đình tôi rất mong được Hội Nông dân xã, huyện tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để mở rộng mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm.

Bà Nguyễn Thúy Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Châu, cho biết: Việc hỗ trợ, định hướng cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp với định hướng của tỉnh, của địa phương. Đồng thời, giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2022, toàn huyện có 23 hộ hội viên nông dân thoát nghèo và 4.642 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội đang tiếp tục chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững”. Phối hợp hỗ trợ hội viên vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Xây dựng các chương trình, dự án thiết thực, hiệu quả, giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Giúp hội viên có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Thuận Châu đã và đang góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới