Những mô hình kinh tế triển vọng ở Vân Hồ

Xuất phát từ các điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, huyện Vân Hồ tích cực xây dựng các mô hình, vận động người dân thử nghiệm các loại cây trồng có triển vọng và áp dụng các phương pháp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Liên Hòa cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 60 km. Từ năm 2015 - 2017, xã được coi là vựa ngô của huyện, với diện tích khoảng 700 ha. Năm 2018, một phần diện tích trồng ngô này được bà con chuyển sang trồng gai xanh AP1. Các hộ dân trồng cây gai xanh được Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xuất nhập khẩu An Phước hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp phân bón cho nhân dân. Giá thu mua vỏ gai khô từ 35-40 nghìn đồng/kg, theo đó, năng suất vỏ gai khô đạt 1 tấn/ha, mỗi năm cây gai cho thu từ 4-5 lứa. Sau khi trừ chi phí phân bón và vật tư nông nghiệp, mỗi ha trồng gia xanh cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha, cao hơn so với trồng ngô 2 vụ khoảng 30%. Ngoài ra, người dân còn sử dụng các phụ phẩm của gai xanh, như lá và thân cây sau khi tước vỏ để làm thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm đáng kể chi phí mua thức ăn cho vật nuôi.

Người dân bản Nôn, xã Liên Hòa, thu vỏ gai khô.

Ông Vì Văn Luyến, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa, cho biết: Sau 4 năm triển khai trồng cây gai xanh, hiện toàn xã có 200 ha. Đến nay, bà con ở 5/5 bản của xã đều trồng cây gai xanh có thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2022 còn hơn 31%. Từ hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại, chúng tôi xác định, cây gai xanh sẽ trở thành cây trồng chủ lực của xã cùng với trồng một số loại cây ăn quả. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và nhập khẩu An Phước nghiên cứu để mở rộng diện tích trồng cây gai, cũng như cách thức để nâng cao hơn giá trị sản phẩm.

Mô hình trồng cam đường canh theo hướng hữu cơ tại bản Pa Cốp, xã Vân Hồ, được triển khai từ năm 2017, hiện đã cho thu hoạch năm thứ 4 với giá trị kinh tế cao. Xuất phát từ nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng, ông Đỗ Hữu Hạnh đã mạnh dạn và chuyển toàn bộ 3,5 ha cây cam canh từ sản xuất truyền thống sang hướng hữu cơ. Ngay trong vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2018, năng suất quả đã tăng lên từ 12-15 tấn/ha. Hiện nay, sản lượng cam đường canh đạt trên 55 tấn, tăng 20% so với sản xuất bằng phương pháp cũ. 

Ông Đỗ Hữu Hạnh chia sẻ: Sau 5 năm vừa làm vừa học phương pháp sản xuất hữu cơ, tôi đã nhân rộng mô hình trồng cam canh lên 40 ha trên diện tích đất nương. Dự kiến khoảng 3 năm nữa diện tích này sẽ cho thu hoạch. Từ mô hình này, tôi cũng mong muốn nhân rộng trong bản để bà con từng bước chuyển đổi cách thức sản xuất, đẩy lùi cái nghèo. Cá nhân tôi sẵn sàng hỗ trợ bà con kinh nghiệm và cách làm để mô hình đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, giá bán cam đạt 40-45 nghìn đồng/kg; mô hình này đã tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Chăm sóc cam đường canh tại bản Pa Cốp.

Qua khảo sát, đánh giá hiệu quả sau hơn 5 năm triển khai thực hiện cho thấy, các mô hình: Trồng nấm hương công nghệ cao tại bản Hang Trùng 1; trồng cà chua tại bản Suối Lìn và trồng cam đường canh theo hướng hữu cơ tại bản Pa Cốp, cùng ở xã Vân Hồ; trồng cây gai xanh giống AP1 tại xã Liên Hòa; trồng quýt đường tại bản Láy, xã Tân Xuân... bước đầu đạt hiệu quả, chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Những mô hình này đang được nhân rộng ở các địa phương, giúp nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, cho biết: Hiện nay, huyện tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã trồng thử nghiệm một số loại cây khác có triển vọng, như cà chua, ớt và các loại rau xanh... nhằm đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện đánh giá mức độ khả thi, hiệu quả của các mô hình nông nghiệp này để có sự hỗ trợ phù hợp, cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn triển khai thực hiện các mô hình, cũng như nhân rộng mô hình hiệu quả. 

Người dân bản Suối Lìn làm đất trồng cà chua vụ đông.

Bên cạnh đó, huyện đã tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho các hộ dân, tổ hợp tác, HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy tính sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm; đồng thời, hướng dẫn việc chuẩn bị tốt các điều kiện về đất, giống, vật tư phục vụ cho sản xuất theo 3 nhóm sản phẩm chủ lực (rau an toàn, quả an toàn và sản phẩm OCOP), nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế đạt hiệu quả.

Thực tế cho thấy, hiệu quả từ các mô hình kinh tế mang lại đã góp phần giúp nông dân nâng cao nhận thức, tích cực tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập. Cách làm này đã và đang được huyện Vân Hồ tiếp tục triển khai thực hiện, phấn đấu từng bước đưa huyện là một trong những địa phương đi đầu về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới